Bất ngờ chàng trai đạp xe xuyên Việt vận động hiến tạng

Chiều 7-2, BS Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia đã có buổi gặp gỡ, trò chuyện với cậu thanh niên Lê Hữu Toàn, 24 tuổi, quê ở Đắk Lắk - người đã đạp xe xuyên Việt để vận động hiến tạng thời gian qua.

Ai cũng phải một lần chết - Hãy để cái chết thật ý nghĩa 

BS Nguyễn Hoàng Phúc tặng hoa cho Lê Hữu Toàn - người đạp xe xuyên Việt vận động hiến tạng

Toàn sinh ra trong một gia đình nghèo có bốn anh chị em. Ý tưởng để thôi thúc cậu hiến tạng khi chết não và đạp xe xuyên Việt vận động những người trẻ như mình hiến tạng khi chết não được cậu ấp ủ từ lâu. Cho đến trước Tết Nguyên đán một tháng, Toàn mới thực hiện ước mơ đạp xe xuyên Việt của mình.

Toàn chia sẻ, qua sách báo, truyền thông, cậu biết đến trường hợp cô Nguyễn Thị Ngần ở Hà Tây (cũ) - người đã đồng ý hiến tạng của đứa con đã chết để cứu sống được gần chục người khác, trong đó hiến tim cho một chiến sĩ cảnh sát biển, đã khiến Toàn xúc động. Bởi theo Toàn, ai cũng một lần phải chết, vậy làm sao để cái chết của mình thật ý nghĩa và giúp đỡ được nhiều người. Do vậy, trước ngày đạp xe xuyên Việt, Toàn đã đến BV Chợ Rẫy, TP.HCM đăng ký hiến mô, tạng khi chết não.

Lý do để cậu đăng ký hiến tạng trước ngày lên đường là bởi Toàn cho rằng trên đường đi có thể có những bất trắc mà Toàn không thể lường hết được. Vậy nếu chẳng may cuộc hành trình đó có bị làm sao thì một phần cơ thể của Toàn có thể giúp được những người khác.

Chỉ đơn thuần như vậy nhưng với một gia đình thuần nông chất phác như gia đình Toàn thì việc một cậu con trai đang tuổi sung sức bỗng đòi đi hiến tạng và đạp xe xuyên Việt để vận động hiến tạng đã khiến bố mẹ cậu shock và phản đối quyết liệt.

Tuy nhiên, cuối cùng gia đình cũng đã hiểu được nỗi niềm của Toàn và đồng ý để cậu được làm những việc có ý nghĩa.

Toàn chia sẻ, hành trình của cậu bắt đầu từ tháng 1-2017 tại mũi Cà Mau, cực Nam của Tổ quốc và dự kiến sẽ kết thúc vào đầu tháng 3-2017 tại địa bàn tỉnh Hà Giang, cực Bắc của Tổ quốc.

Trên suốt chuyến đi, đến địa phương nào cậu cũng gặp những người trẻ như mình để chuyện trò, vận động hiến tạng. Qua mạng xã hội, nhiều bạn trẻ biết được ý nghĩa chuyến đi của Toàn, qua đó đã kết nối được nhiều người và việc vận động hiến tạng có sức lan tỏa.

Cho đi là còn mãi 

Bất ngờ chàng trai đạp xe xuyên Việt vận động hiến tạng ảnh 2

Lê Văn Toàn đang tiếp tục hành trình xuyên Việt với việc làm đầy ý nghĩa của mình. 

BS Phúc cho biết thời gian gần đây, qua công tác truyền thông, nhiều người trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ hiểu hơn về việc hiến tạng nên đã có rất nhiều người đăng ký tham gia. Mới chỉ cách đây vài năm, số người hiến tạng khi chết não là rất ít nhưng đến nay đã có gần 10.000 người đăng ký tham gia. Đây là con số đáng mừng và điều đó đã tiếp thêm hy vọng cho nhiều người bệnh đang mỏi mòn.

Cũng theo BS Phúc, mới đây anh nhận được cuộc điện thoại trong nước mắt của một bà mẹ ở Vĩnh Phúc thông báo sẽ hiến mô tạng của cậu con trai bị tai nạn giao thông để cứu những người khác. Tuy nhiên, khi các bác sĩ đến nơi thì mô, tạng của người này đã không còn đủ điều kiện để hiến. Nghe vậy, nỗi đau của người mẹ như nhân lên gấp đôi. Bởi bà hy vọng rằng, tuy con mình chết đi nhưng một phần cơ thể, máu thịt của con sẽ sống ở cơ thể khác. Tiếc rằng điều đó không thực hiện được, người mẹ này không còn có cơ hội để gặp được con nữa.

Trong tháng 1-2017, một bà mẹ đã cũng gọi điện tới trung tâm đồng ý hiến tạng cậu con trai bị tai nạn giao thông. Tuy người mẹ đã làm một việc rất nhân văn là hiến tạng con để cứu nhiều người khác, nhưng BS Phúc đã phân tích rằng BV chỉ có thể lấy mô, tạng với trường hợp bệnh nhân đã chết não. Trường hợp con trai bà vẫn còn sống, tuy là sống lâm sàng, do vậy việc hiến mô, tạng để cứu người là không thể.

"Cho đi là còn mãi, ý nghĩa nhân văn của việc hiến tạng là ở đó. Khi một người chết não, sự sống của họ không còn nhưng nếu họ chia sẻ cho người khác một phần máu thịt của mình, nhiều cuộc sống mới lại hồi sinh" - BS Phúc nói. 


Theo thống kê sơ bộ, hiện có hơn 6.000 người bị suy thận mạn đang cần được ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội), khoảng 300.000 người bị mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc; hàng trăm người đang chờ được ghép tim, phổi.

Nhiều bệnh nhân đã phải chết trong thời gian chờ ghép trong khi nguồn mô, tạng từ hàng chục ngàn ca chết não, chết ngưng tim vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa người bệnh là một sự lãng phí lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm