Sáng 2-10, dưới sự phối hợp của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể - Bộ Y tế tổ chức chương trình “Vì sự sống là vô giá, hãy nâng niu” với nhiều mục đích nhân văn như giảm bớt những thực tế đau lòng hiện nay là có rất nhiều bệnh nhân tử vong vì không có tạng để ghép, trong khi đó lại có nhiều người muốn hiến tạng nhưng lại không biết đăng ký ở đâu, như thế nào.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại chương trình sáng 2-10 ẢNH: HÀ PHƯỢNG
Đến tham gia chương trình từ rất sớm, bà Lê Thị Lai, 54 tuổi (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã lặng lẽ điền cho mình đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau chết, chết não và điền đầy đủ thông tin, nộp lại cho ban tổ chức.
Bà Lai tâm sự: “Chồng tôi đã chết vì tai nạn giao thông, con tôi cũng đã hiến tạng cho y học vì bệnh nặng. Tôi sống một mình đến giờ này, cũng chỉ mong làm được gì cho thế hệ còn lại. Không biết tôi già như thế này còn hiến được gì hay không, tôi tư vấn bác sĩ về sức khỏe rồi mới đăng ký”.
Người dân vui vẻ tư vấn trước khi đăng ký hiến mô, tạng. ẢNH: HÀ PHƯỢNG
Không riêng gì bà Lai, các sinh viên đến từ các trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Y Dược TP.HCM... đã cùng những người lớn tuổi góp sức mình vào chương trình “Vì sự sống vô giá, hãy nâng niu” bằng nhiều lá đơn đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể rất tự nguyện. Trong đó có những thắc mắc hằn giấu trong tấm lòng cao cả, ấp ủ bấy lâu nay như làm thế nào để hiến tạng, hiến xác. Cơ quan nào điều phối việc hiến lấy tạng, ghép mô của Việt Nam. Trường hợp nào bị cấm hiến, lấy, ghép tạng hay quyền lợi của việc hiến tạng đều được giải đáp.
“Em đi học, được nghe và nhìn thấy nhiều trường hợp phải chết do không có tạng để ghép. Em nghĩ mình là người trẻ, khi chết đi là kết thúc một cuộc đời nhưng lại có thể bắt đầu một cuộc đời khác. Em đến đăng ký hiến tạng nhưng muốn giấu bố mẹ, em vẫn chưa thuyết phục được bố mẹ đồng ý. Và vấn đề này vẫn khiến em khó xử, chưa tìm được hướng giải quyết”, sinh viên TTPT, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, tâm sự.
Đạp xe đồng hành cùng chương trình "Chung tay vì sự sống" ẢNH: HÀ PHƯỢNG
Hơn 600 lá đơn tình nguyện hiến tạng được nộp trong buổi sáng ẢNH: HÀ PHƯỢNG
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng đăng ký hiến mô tạng sau khi hát tại chương trình ẢNH: HÀ PHƯỢNG
Tham gia chương trình sáng nay, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: Ghép tạng là thành tựu quan trọng của y học trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các tạng bị suy giảm chức năng không phục hồi được thì cần phải được ghép thay thế mới có thể tiếp tục sống.
Tính đến 15-6-2016, VN đã thực hiện thành công 1.281 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 16 ca ghép tim, tám ca ghép tủy, một ca ghép khối Thận – Tụy và một ca ghép Tim – Phổi. Hiện ngành y tế đang có 16 cơ sở ghép tạng được cấp phép hoạt động, có trang thiết bị hiện đại, trình độ đã tiếp cận được với quốc tế.
Tuy nhiên, nhu cầu ghép mô, tạng hiện nay ở VN là rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng. Theo thống kê sơ bộ, có hơn 6.000 người bị suy thận mãn cần được ghép, khoảng 300.000 người bị mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người đang chờ được ghép tim, phổi. Nhiều bệnh nhân đã phải chết trong thời gian chờ được ghép trong khi nguồn mô tạng từ hàng chục ngàn ca chết não, ngưng tim vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa bệnh là một sự lãng phí lớn và đang đặt ra cho chúng ta nhiều trăn trở.
“Khó khăn hiện tại là nhận thức của người dân về hiến mô, tạng còn nhiều bất cập. Đặc biệt việc tuyên truyền về hiến mô, tạng sau khi chết, chết não còn nhiều hạn chế và chưa đến được với đông đảo người dân. Vì vậy, tôi mong muốn chúng ta, cùng nhau nhìn nhận và thay đổi suy nghĩ, giúp chung tay đăng ký hiến mô tạng để giúp thêm những cuộc đời khác” – Bộ trưởng nói.
Chỉ trong một buổi sáng chương trình đã thu hút hàng ngàn các đoàn viên, thanh niên, các cụ già, bô lão đến tham dự và có đến 612 lá đơn tự nguyện đăng ký hiến mô tạng cho y học sau khi chết.