Tối 27-11, tại chùa Giác Ngộ (quận 10, TP.HCM) đã diễn ra buổi lễ đăng ký hiến xác, mô, tạng cho y học. Buổi lễ do Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (thuộc Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ đạo Phật ngày nay, Ban Trị sự chùa Giác Ngộ tổ chức.
Còn nhiều người khổ, giúp được gì thì giúp
Rất đông Phật tử cùng người dân đã đến sớm để đăng ký hiến tặng với mong ước giúp đỡ nhiều người kém may mắn, mang bệnh tật trong người.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (49 tuổi, ngụ quận 8) chia sẻ chị quyết định đăng ký hiến tặng sau khi nhìn thấy một hoàn cảnh thương tâm ở trong bệnh viện.
“Cách đây mấy tháng, tôi đưa người nhà đi khám bệnh ở BV Ung bướu. Ở đó tôi gặp một cậu bé chỉ mới sáu tuổi có nguy cơ bị mù vì gặp vấn đề với giác mạc. Bà ngoại của em nói rằng có thể em sẽ bị mù vì không tìm ra người hiến tặng để cấy ghép. Lần đó về tôi cứ suy nghĩ mãi, ở đâu đó vẫn còn nhiều người đang rất cần được giúp đỡ nên khi nghe có chương trình này tôi quyết định đăng ký ngay” - chị Tuyền kể.
Đứng né qua một góc nhỏ để nhường chỗ cho nhiều người khác, bà Nguyễn Thị Cẩm (64 tuổi, ở Bình Dương) cặm cụi điền vào lá đơn với vẻ hào hứng. Bà kể qua báo đài biết được còn rất nhiều người đang cần được ghép thận, gan, tim... nên bà muốn góp phần kéo dài sự sống cho ai đó.
“Bản thân tôi chỉ nghĩ là mình mà rơi vào trường hợp như họ thì cũng sẽ hy vọng có ai đó giúp đỡ. Mình nằm xuống rồi cũng trở về với cát bụi thôi, nếu có thể giúp người khác kéo dài sự sống thì sao không làm” - bà Cẩm chân thành.
Không chỉ những người trung niên, người già mà rất đông các bạn trẻ cũng đã đến làm đơn đăng ký. Chị Thanh Nguyệt (28 tuổi) chia sẻ: “Đâu đó có người đang mấp mé giữa sự sống và cái chết, hoặc có thể vĩnh viễn mất đi một phần nào đó trên cơ thể. Nếu mình có thể giúp sức để họ kéo dài sự sống thì mình cũng vui”.
Đông đảo người dân đến tham gia làm đơn đăng ký hiến xác, mô, tạng cho y học vào tối 27-11 tại chùa Giác Ngộ. Ảnh: THANH TUYỀN
Sẽ thuyết phục người thân
Ở một góc phòng đăng ký, chị Ngọc Dung dìu người bạn của mình là chị Bích Thủy ngồi xuống ghế. Vì chị Thủy bị gãy chân do tai nạn xe cách đây mấy ngày nên gặp khó khăn khi đi lại, chị Dung đi theo để giúp bạn.
Chị Dung cho biết lần này chị chưa đăng ký hiến tặng vì vấp phải sự phản đối từ phía con cái trong gia đình. “Tôi muốn đăng ký lắm nhưng khi nói cho mấy đứa con nghe thì đứa nào cũng phản đối. Chúng thương mẹ, lo mẹ nằm xuống thân thể không trọn vẹn. Tôi sẽ gắng thuyết phục tụi nhỏ cho bằng được. Tôi đăng ký hiến xong rồi cũng giục tụi nó làm theo luôn, còn biết bao nhiêu người cần mình mà” - chị Dung nói chắc nịch.
Đi cùng vợ và con gái, anh Nguyễn Hoàng Tuấn (ở quận 10) cho biết cả anh và vợ cùng làm đơn hiến tặng trong đợt này.
“Cả hai vợ chồng tôi đều nghĩ rằng nếu khi mình nằm xuống mà còn có thể gieo một mầm sống mới cho một người khác, giúp họ có cuộc sống khỏe mạnh, vui vẻ bên người thân, không ốm đau gì là mình thấy vui lây rồi. Chúng tôi dẫn con gái nhỏ đi theo là để con hiểu được đây là một việc làm hết sức ý nghĩa, sau này con lớn lên mong rằng con cũng sẽ quyết định như vậy” - anh Tuấn cười tươi.
Mỗi một người đến đây đều mang trong mình những mong ước chân thành nhất rằng họ sẽ giúp người kém may mắn hơn có được cuộc sống an lành. Hy vọng những thiện tâm đó sẽ mãi lan tỏa để nhiều người có thể tiếp tục sống khi ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết.
Ai có thể tham gia hiến tặng mô, tạng? Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”. Việc hiến tặng mô, tạng cũng cần đảm bảo các nguyên tắc như tự nguyện đối với người hiến, người được ghép; vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học; không nhằm mục đích thương mại; giữ bí mật về thông tin liên quan đến người hiến, người được ghép... Người muốn đăng ký hiến mô, tạng trước hoặc sau khi chết, chết não có thể đến bất kỳ cơ sở y tế nào gần nhất bày tỏ ý nguyện đó. Cơ sở y tế đó sẽ có trách nhiệm tiếp nhận thông tin và báo về Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) để thông tin đến cơ sở y tế có chức năng phù hợp tiếp nhận đơn đăng ký hiến mô, tạng của người muốn hiến và hoàn tất thủ tục pháp lý, tư vấn, cấp thẻ đăng ký hiến mô, tạng (hiến sau khi chết), hiến xác cho người đăng ký hiến... ____________________________ 6.000 người bị suy thận mạn đang cần được ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính riêng một số BV lớn tại Hà Nội), khoảng 300.000 người bị mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người phải chờ ghép tim, phổi. Tính đến ngày 15-6-2016, cả nước đã thực hiện 1.281 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 16 ca ghép tim, tám ca ghép tủy, một ca ghép khối thận-tụy, một ca ghép khối tim-phổi. |