Để tăng cường phương thức kết nối vận tải cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tiếp cận các bến xe khách trên địa bàn, Sở GTVT TP.HCM đã đề nghị Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn TNHH MTV (SAMCO) xây dựng phương án tiếp chuyển hành khách đi và đến các bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn TP. Hình thức là xe trung chuyển.
Hiện Bến xe Miền Đông mới là đơn vị đầu tiên triển khai, đang lấy ý kiến từ các đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định.
Chỉ có 2 đơn vị đăng ký dịch vụ xe trung chuyển
Bến xe Miền Đông mới cho biết theo kế hoạch, xe trung chuyển có thời gian vận chuyển từ 0 giờ đến 24 giờ các ngày trong tuần (kể cả ngày lễ - tết). Chi phí tiếp chuyển hành khách được tính vào cơ cấu giá cước (giá vé) tuyến vận tải hành khách do đơn vị vận tải tuyến cố định xây dựng và kê khai giá.
Theo đó, hiện nay Bến xe Miền Đông mới đang lấy ý kiến của các đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định. Giai đoạn 1 thực hiện tại Bến xe Miền Đông mới hoặc khi có văn bản quy định của Bộ GTVT, Sở GTVT TP.
Để triển khai phương án hiệu quả, Bến xe Miền Đông mới đã thông báo đến các đơn vị vận tải có nhu cầu sử dụng dịch vụ xe trung chuyển hành khách đi, đến Bến xe gửi văn bản đề nghị sử dụng dịch vụ.
Các đơn vị vận tải có thể nêu ý kiến, đề xuất triển khai thực hiện (nếu có) trước ngày 5-10 để bến xe tổng hợp báo cáo Sở GTVT TP. Dự kiến, phương tiện sử dụng để tiếp chuyển hành khách là xe ô tô khách có phù hiệu hợp đồng, sức chứa từ 29 chỗ trở xuống. Bến xe Miền Đông mới sẽ thực hiện ký kết hợp đồng tiếp chuyển hành khách của các đơn vị vận tải đi.
Dự kiến, Bến xe Miền Đông mới sẽ thu giá dịch vụ tiếp chuyển từ các đơn vị vận tải để thanh toán thuê đơn vị vận chuyển, chi phí quản lý, chi phí sử dụng phần mềm, tin nhắn SMS với giá dự kiến là 30.000 đồng/lượt hành khách (đơn giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
"Tuy nhiên, đến ngày 3-10, Bến xe Miền Đông mới cũng chỉ nhận được phản hồi, đăng ký sử dụng dịch vụ từ hai đơn vị vận tải. Hiện bến xe vẫn tiếp tục làm việc với các đơn vị, sau đó tổng hợp, báo cáo Sở GTVT" - Đại diện BXMĐ mới cho hay.
Nhiều đơn vị vận tải chưa mặn mà với xe trung chuyển
Trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Thanh Việt – Trưởng phòng Phòng Kế hoạch Vận tải Bến xe Miền Đông mới cho biết hiện nay, nhiều đơn vị vận tải chưa mặn mà hoặc lo ngại bổ sung thêm chi phí vận chuyển (chi phí xe trung chuyển thu từ đơn vị vận tải). Từ đó, sẽ đội chi phí vận tải nên nhiều đơn vị còn băn khoăn, lo ngại.
Tuy nhiên, đánh giá từ thực tế Phương Trang sử dụng dịch vụ xe trung chuyển đã đón nhận được sự yêu thích của hành khách vì tiện lợi. Theo đó, với mức phí đề xuất 30.000 đồng/lượt để đưa đón hành khách về tận nhà là hợp lý.
Vì vậy, phương án sử dụng xe trung chuyển từ bến xe đi là thêm một sự lựa chọn cho hành khách đi và đến bến xe một cách thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, để thực sự thu hút hành khách đến với Bến xe Miền Đông mới, TP.HCM cần đồng loạt triển khai nhiều phương án như cấm xe khách giường nằm vào nội đô TP, tích cực xử lý xe dù bến cóc. Lúc này, hành khách mới có thể sử dụng xe buýt, xe trung chuyển, giảm thiểu xe cá nhân, kẹt xe.
Bên cạnh đó, các hướng tuyến và hành trình chạy xe cần hợp lý để các phương tiện chạy theo đầu tỉnh (miền Bắc, miền Trung về Bến xe Miền Đông mới), phía miền Tây sẽ về Bến xe Miền Tây. Lúc này, các bến xe mới có thể phát huy hiệu quả.
"Hành khách có thêm một kênh sử dụng với giá cả hợp lý, dịch vụ tốt hơn mà giá dịch vụ chỉ khoảng 30.000 đồng. Hiện Bến xe Miền Đông mới đang lên kế hoạch, kêu gọi các đơn vị vận tải tham gia vào dịch vụ này. Nếu đủ số lượng, khu vực đón trả, phương thức hoạt động, kèm nhu cầu sẽ triển khai... Bến xe Miền Đông mới sẽ báo cáo, xin Sở GTVT TP cho phép hoạt động sớm nhất.
Hiện nay, lượng khách đến Bến xe Miền Đông mới có từ 3.000 - 4.000 người. Bến xe Miền Đông mới sẽ tính toán, bố trí lượng xe trung chuyển phù hợp, tránh gây áp lực giao thông, gây lãng phí.
Ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý Dịch vụ vận tải đường bộ, Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện nay công tác trung chuyển hành khách tại các bến xe vẫn đang được các đơn vị vận tải thực hiện theo quy định.
Riêng Bến xe Miền Đông mới, hàng ngày có khoảng 52 xe trung chuyển hoạt động. Ngoài ra, hành khách vẫn sử dụng các phương thức khác như xe buýt, taxi truyền thống, taxi có phần mềm tính tiền (taxi công nghệ), các phương tiện xe 2 bánh kinh doanh, xe cá nhân để đi/đến.
Phương án xe trung chuyển do các bến xe tổ chức nhằm tăng cường thêm phương thức kết nối đa dạng dịch vụ nhằm mục tiêu phục vụ cho hành khách được tốt hơn.
Ông Đường cho biết hiện nay Bến xe Miền Đông mới gửi văn bản đến các đơn vị vận tải để tổng hợp nhu cầu, sau đó sẽ triển khai phương án phù hợp với từng giai đoạn biến động nhu cầu vận chuyển.
Theo Sở GTVT TP, sẽ có 2 giai đoạn thực hiện xe trung chuyển từ các bến xe liên tỉnh.
Giai đoạn 1: Áp dụng tại Bến xe Miền Đông mới, tổ chức tiếp chuyển tại một số khu vực trung tâm TP. Bao gồm quận 1, 3, 5, 7, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, TP Thủ Đức. Sau đó, theo nhu cầu của hành khách, SAMCO sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị vận tải để tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động đến các quận, huyện khác.
Giai đoạn 2: Áp dụng tại các bến xe liên tỉnh còn lại (Bến xe Miền Tây, Bến xe Miền Đông, Bến xe An Sương, Bến xe Ngã tư Ga).
Giai đoạn này dự kiến thực hiện trong năm 2025 hoặc khi công tác tổ chức tiếp chuyển hành khách đi, đến Bến xe Miền Đông mới được ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của hành khách.