Ngày 13-9, nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết liên quan đến vụ 213 container tại cảng Cát Lái, quận 2 (TP.HCM) mất tích, sáng 13-9, Cơ quan CSĐT (C46) Bộ Công an đã bắt tạm giam ông Lê Vũ Nam (công chức hải quan thuộc Đội văn phòng, Chi cục Hải quan khu vực II, Cục Hải quan TP.HCM) để điều tra hành vi buôn lậu.
Cơ quan điều tra cũng thực hiện lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Nam, thu giữ một số tài liệu liên quan.
Ông Nam được xác định liên quan vụ 213 container hàng tạm nhập tái xuất, bị bắt khi đang là cán bộ Hải quan khu vực II - cảng Khánh Hội.
Trước đó, ông Nam là công chức hải quan làm việc tại Đội quản lý hàng hóa nhập khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I - cảng Cát Lái. Sau vụ việc mất tích container, ông Nam được điều chuyển công tác khác rồi về Hải quan khu vực II.
Đến thời điểm này đã có ba cán bộ Cục Hải quan TP.HCM bị bắt tạm giam, di lý về Hà Nội để phục vụ công tác điều tra.
Trước đó, hai công chức hải quan đã bị khởi tố là Nguyễn Văn lâm (Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1) và Trần Thanh Tùng (công chức Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh, trước đó ông Tùng làm việc tại Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu - Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1).
Theo cơ quan điều tra, một số cán bộ hải quan lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, cố ý không thực hiện đúng các quy định của ngành hải quan, tiếp tay cho một số đối tượng lợi dụng chính sách trung chuyển, quá cảnh hàng hóa để nhập hàng cấm từ nước ngoài vào tiêu thụ tại Việt Nam.
Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án làm rõ các cá nhân liên quan đến vụ việc nghiêm trọng mà Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo 389 Quốc gia, đã đề nghị làm rõ, xử lý nghiêm tất cả cán bộ có liên quan.
Theo nguồn tin của PV từ cơ quan điều tra cho hay: “Hiện nhiều cán bộ có liên quan đã được triệu tập lấy lời khai, làm rõ trách nhiệm trong việc để 213 container không còn dấu vết và thực tế khả năng số container trị giá hàng chục tỉ đồng này đã tuồn vào thị trường Việt Nam chứ không phải xuất qua Campuchia. Đây là vụ việc có sự giúp sức tinh vi của các cá nhân trong ngành hải quan dẫn đến trong một thời gian dài cơ quan chức năng không phát hiện”.
Liên quan đến vụ việc này, như chúng tôi đã thông tin, ngày 9-9, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46, Bộ Công an) đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Lâm (công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, Cục Hải quan TP.HCM). Ông Lâm đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, đã cố ý không thực hiện đúng các quy định của ngành hải quan tiếp tay cho một số người lợi dụng chính sách trung chuyển, quá cảnh hàng hóa để nhập hàng cấm từ nước ngoài vào tiêu thụ ở Việt Nam.
Cũng liên quan đến vụ việc trên, trước đó, ngày 25-8, C46 Bộ Công an cũng đã bắt tạm giam ông Trần Thanh Tùng, công chức Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (trước đó ông Tùng làm việc tại Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu - Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1). Theo đó, ông Tùng đã “biết nhưng không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, không quản lý seal theo quy định của Tổng cục Hải quan gây hậu quả nghiêm trọng.
Để phục vụ cho công tác điều tra của cơ quan công an, Cục Hải quan TP.HCM đã có các quyết định về việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Lâm và ông Trần Thanh Tùng.
Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan kiêm phụ trách Cục Hải quan TP.HCM, cho biết quan điểm của lãnh đạo Tổng cục Hải quan là phối hợp với Cơ quan điều tra Bộ Công an làm rõ, xử lý hành vi sai phạm cán bộ ngành hải quan có liên quan để lập lại trật tự kỷ cương trong công tác kiểm soát, phòng chống buôn lậu. Ông Cường cũng cho biết vụ việc 213 container do Tổng cục Hải quan kiểm tra và chủ động đề nghị Bộ Công an vào cuộc làm rõ.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, cơ quan điều tra ghi nhận container này (loại 40 feet) chứa nhiều thiết bị điện tử đã qua sử dụng (máy giặt, máy điều hòa, thùng loa nghe nhạc). Quá trình xác minh, tổ công tác trên cũng xác định container hàng điện tử trên nhập về từ Nhật. Thời gian nhập từ tháng 4-2015 đến tháng 2-2016, quá cảnh tại cảng Cát Lái để xuất đi Campuchia. Theo cơ quan điều tra, số hàng điện tử đã qua sử dụng là mặt hàng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu.
Sau khi phát hiện vụ việc mất tích 213 container bí ẩn này, tháng 11-2016, Tổng cục Hải quan đã lập đoàn kiểm tra và phát hiện ra nhiều bất thường. Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM yêu cầu 23 cán bộ liên quan tường trình vụ việc.