'Bắt vợ': Lằn ranh phong tục và vi phạm pháp luật

“Bắt vợ” là một phong tục lâu đời của dân tộc H’Mông, dân tộc Thái. Tuy nhiên, những biến tướng của phong tục này sẽ dễ khiến người trong cuộc rơi vào vòng lao lý một cách vô ý.

Tỏ tình qua mạng rồi bắt làm vợ

Chiều 7-2, mạng xã hội lan truyền đoạn clip nam thanh niên ra sức kéo một thiếu nữ về nhà làm vợ, mặc cho cô gái cố gắng vùng vẫy, bỏ chạy. Sau đó, cán bộ công an xuất hiện, giữ nam thanh niên và giúp đỡ cô gái. Sự việc xảy ra tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, Hà Giang.

Ngày 10-2, trao đổi cùng Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, cho biết bước đầu xác minh thanh niên trong clip là GMCh (sinh năm 2006), còn cô gái bị Ch kéo là VTS (sinh năm 2008, thôn Sà Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc).

Cô gái bị nam thanh niên kéo về làm vợ theo tục “bắt vợ” của người H’Mông tại Hà Giang. (Ảnh cắt từ clip)

Ch và S quen nhau qua mạng Zalo từ ngày 4-2-2022. Từ khi quen nhau, cả hai thường xuyên nhắn tin qua lại. Theo nội dung tin nhắn, Ch tỏ tình với S và rủ S đi chơi cùng nhưng S chưa nhận lời yêu.

Đến ngày 7-2, cả hai hẹn gặp nhau ở Tượng đài Thanh niên xung phong trên đèo Mã Pí Lèng. Khi đến ngã ba hạt 7 thuộc địa phận xã Pả Vi, Ch có ý định kéo S về làm vợ theo tục “kéo vợ” nhưng S không đồng ý.

Qua quá trình xác minh, làm việc cùng cặp đôi này và người thân hai bên, Công an huyện Mèo Vạc nhận thấy không đủ căn cứ để xử lý hình sự lẫn xử phạt hành chính với Ch về hành vi bắt, giữ người trái pháp luật.

Hiểu đúng về tục “bắt vợ”

“Bắt vợ” hay “kéo vợ” là một tục đẹp từ xa xưa của đồng bào dân tộc H’Mông. Tục lệ này thể hiện tình yêu đôi lứa mãnh liệt của những chàng trai, cô gái người H’Mông để đến với nhau. Việc kéo hay bắt chỉ được diễn ra khi có sự thỏa thuận và đồng ý của hai người từ trước đó.

Khi đã kéo được cô gái về nhà thì một vài ngày sau, người nhà chàng trai sẽ có lời và mang lễ sang nhà cô gái để xin cưới.

Bà TRIỆU THỊ TÌNH, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang

 

“Bắt vợ” có vi phạm pháp luật?

Để hiểu đúng hơn về tục “bắt vợ”, đặc biệt ở góc độ pháp luật, chúng tôi đã trao đổi cùng TS-luật sư (LS) Đặng Văn Cường, Đoàn LS TP Hà Nội.

TS-LS Cường cho biết: Tục “bắt vợ” là một nét truyền thống văn hóa lâu đời của người H’Mông. Hiện tục lệ này có nguy cơ biến tướng thành hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể, tự do đi lại, cư trú, tự do hôn nhân của công dân.

“Dù là những phong tục lâu đời nhưng các phong tục, tập quán phải đặt trong khuôn khổ pháp luật và tiến bộ xã hội” - LS Cường khẳng định.

LS Cường phân tích: Cả Ch và S đều chưa đủ tuổi kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình. Do đó, giả sử cả hai đồng thuận việc chung sống thì cũng không thể thành vợ, chồng.

Cách xử lý của Công an huyện Mèo Vạc là phù hợp. Bởi lẽ dựa vào hình ảnh đoạn clip và xác minh của cơ quan chức năng thì nam thanh niên chưa hoàn toàn bắt, giữ hay khống chế được cô gái nên chưa đủ yếu tố cấu thành hành vi vi phạm bắt, giữ người trái pháp luật.

“Sự việc xảy ra do Ch hiểu lầm về tình cảm của S, không am tường về phong tục “bắt vợ” của dân tộc mình lẫn quy định pháp luật. May mắn, hành động của Ch không xảy ra hậu quả nghiệm trọng. Do đó cần có biện pháp giáo dục, tuyên truyền pháp luật với Ch và cộng đồng để tránh vụ việc tương tự xảy ra” - LS Cường phân tích.

Tuyên truyền pháp luật để duy trì nét đẹp văn hóa

Tục “bắt vợ” có thể được duy trì nếu như hai người có quan hệ tình cảm yêu đương, đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Phong tục này nhằm giảm bớt những chi phí cưới hỏi, hạn chế việc thách cưới của đồng bào dân tộc, là cơ hội để đôi nam nữ thể hiện tình yêu và sự tự do trong hôn nhân.

Biến tướng của tục “bắt vợ” dễ dẫn đến nạn tảo hôn, cưỡng ép kết hôn. Nhiều trường hợp việc “bắt vợ” của người đã thành niên với người chưa đủ 16 tuổi dẫn đến tội giao cấu với trẻ em.

Qua sự việc ở Hà Giang, chính quyền tại các khu vực có đồng bào dân tộc cần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm bài trừ những hủ tục, những biến tướng của phong tục xa xưa; đồng thời giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc.

Những tập tục không phù hợp với quy định của pháp luật cần bị loại bỏ để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

TS-LS ĐẶNG VĂN CƯỜNG, Đoàn LS TP Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm