Bầu cử Mỹ 2024 chứng kiến nhiều biến động, cả trong các chiến dịch tranh cử lẫn bối cảnh quốc tế.
Những đợt gió đảo chiều
Tháng 11-2022, cựu Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố tái tranh cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2024 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở bang Florida. Thời điểm đó, ông Trump phải đối mặt với bốn vụ án hình sự gồm: vụ chi tiền bịt miệng sao khiêu dâm Stormy Daniels, vụ can thiệp bầu cử liên bang, vụ can thiệp bầu cử bang Georgia và vụ giữ trái phép tài liệu mật.
Trong đó, phiên tòa xử vụ làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền bịt miệng sao khiêu dâm Stormy Daniels, kéo dài hơn sáu tuần đã khiến ông Trump “nặng gánh hai vai” khi vừa phải hầu tòa, vừa vận động tranh cử. Hồi tháng 5, việc bồi thẩm đoàn vụ kiện này kết luận ông Trump phạm tất cả 34 tội danh trong cáo trạng, đã khiến ông Trump trở thành cựu tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bị tuyên phạm tội hình sự.
Cụm từ ông "Trump có tội" tràn ngập trên các trang nhất báo đài phương Tây như một đòn giáng mạnh vào thanh thế ông Trump, khiến nhiều cử tri thất vọng và quay sang ủng hộ Tổng thống Mỹ Joe Biden, vốn đã tuyên bố tái tranh cử tổng thống vào tháng 4-2023.
Tuy nhiên, niềm hy vọng của đảng Dân chủ đã sụp đổ sau màn thể hiện được đánh giá là tệ hại của ông Biden trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên với ông Trump vào ngày 27-6. Việc ông Biden, 81 tuổi, nói không ra hơi, hay vấp và nói nhầm làm dấy lên nỗi lo rằng ông không đủ sức khỏe để tiếp tục tranh cử. Do đó, nội bộ đảng Dân chủ và nhiều nhà tài trợ đã gây áp lực, buộc ông Biden phải dừng cuộc đua.
Trong bối cảnh ông Biden bất chấp việc đồng minh không ủng hộ, vẫn quyết tâm tranh cử, thì ông Trump “hút” được lượng lớn người ủng hộ sau vụ bị ám sát hụt tại bang chiến trường Pennsylvania khi đang vận động tranh cử vào ngày 13-7. Trong khung cảnh hỗn loạn với vành tai đang chảy máu do một viên đạn bắn sượt tai, hình ảnh ông Trump dũng cảm, mạnh mẽ giơ cao nắm đấm, hét lên “Chiến đấu!” đã đi vào lịch sử và trong lòng cử tri Mỹ.
Cuộc đua đầy kịch tính
Trong khi liên tiếp các cuộc thăm dò cho thấy ông Trump sẽ thắng ở hầu hết các bang chiến trường cũng như nội bộ Dân chủ ngày càng tăng áp lực, ngày 21-7, ông Biden tuyên bố dừng tranh cử và ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris - một phụ nữ da đen và là người Mỹ gốc Á, thay ông làm ứng viên đảng này.
“Làn gió mới” Harris đã đảo chiều cục diện khi chỉ trong vòng hai tuần đã chính thức giành được đề cử của của đảng Dân chủ; nhanh chóng giành tỉ lệ ủng hộ nhỉnh hơn ông Trump trong các cuộc thăm dò, kể cả ở những bang chiến trường; và huy động số tiền tài trợ kỉ lục là 971 triệu USD trong ba tháng (từ tháng 7 đến cuối tháng 9), nhiều hơn 894 triệu USD mà chiến dịch tranh cử ông Trump huy động được kể từ đầu tháng 1-2023.
Đến những ngày cuối cùng của cuộc bầu cử, nhiều thăm dò cho thấy tỉ lệ ủng hộ hai ứng cử viên rất sít sao và rất khó để dự đoán ai là người chiến thắng. Cuộc thăm dò toàn quốc cuối cùng của tờ The New York Times và Siena College công bố hôm 25-10 cho thấy tỉ lệ ủng hộ bà Harris và ông Trump là bằng nhau, 48%.
Ở bảy bang chiến trường, các cuộc thăm dò mới, được công bố ngày 29-10, cũng cho thấy hai ứng cử viên gần như ngang tài ngang sức. Thậm chí trong một số cuộc thăm dò, hai ứng cử viên chỉ cách nhau 1% ở bang Michigan, Arizona và Nevada, và tất cả nằm trong biên độ sai số. Ví dụ, ở Arizona, bà Harris dẫn trước ông Trump với tỉ lệ 48% và 47% trong cuộc thăm dò của CNN/SSRS (sai số 4,4%) còn theo thăm dò của Marist thì ông Trump lại dẫn trước với tỉ lệ là 50% và 49% (sai số 3,7%).
Mùa tranh cử biến động
Mùa bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang phải căng mình đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng và phức tạp trên các khu vực chiến lược, nhất là châu Âu và Trung Đông.
Tại châu Âu, cuộc chiến Nga-Ukraine đã kéo dài hơn hai năm và vẫn chưa có lối thoát. Nga vẫn đứng vững, trái lại với mong muốn của phương Tây rằng cuộc chiến kéo dài và các lệnh trừng phạt sẽ làm Nga kiệt quệ. Còn Ukraine mở thêm mặt trận mới ở tỉnh Kursk nhưng đang gặp áp lực lớn ở chiến trường miền đông Ukraine. Tính đến ngày 21-10, Mỹ đã cung cấp hơn 64,1 tỉ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt (tháng 2-2022).
Còn ở Trung Đông, khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas tại Gaza vẫn chưa có hồi kết thì Israel còn đối đầu với các lực lượng khác trong “Trục kháng chiến” do Iran lãnh đạo, bao gồm Hezbollah ở Lebanon, Houthis ở Yemen. Cạnh đó, gần đây, việc Iran, Israel tấn công trả đũa lẫn nhau khiến “chảo lửa” Trung Đông ngày càng nóng, nguy cơ bùng lên cuộc xung đột toàn diện.
Với hai cuộc chiến phủ bóng cuộc bầu cử, cử tri Mỹ cho rằng ông Trump có ưu thế hơn bà Harris trong việc lèo lái đất nước vượt qua những biến động này, theo cuộc thăm dò của tạp chí The Wall Street Journal tại bảy bang chiến trường công bố hôm 12-10.
Trong đó, cuộc chiến ở Trung Đông đã định hình lại tư tưởng cử tri người Mỹ gốc Ả-rập, vốn từ lâu nhiệt tình ủng hộ đảng Dân chủ, khi họ càng ngày càng không chấp nhận sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel, gây ra khoảng 43.000 cái chết của người Palestine tại Gaza. Đó là lý do cả ông Trump và bà Harris tích cực giành phiếu của đối tượng cử tri này ở các bang chiến địa trong những tuần cuối cùng vận động tranh cử.
Số tiền khổng lồ chi cho bầu cử Mỹ 2024
Cuộc bầu cử Mỹ 2024 dường như là cuộc bầu cử tốn kém nhất từ trước đến nay, với việc chi tiêu khoảng 15,9 tỉ USD cho tất cả các cuộc đua liên bang, vượt qua mức 15,1 tỉ USD vào năm 2020, theo nhóm phi đảng phái theo dõi chi tiêu bầu cử Open Secrets.
Khác với chiến dịch tranh cử tốn kém và kéo dài khoảng hai năm của Mỹ, chiến dịch tranh cử ở Canada thường kéo dài từ 36 đến 50 ngày. Tổng chi phí vận động tranh cử trong cuộc bầu cử năm 2021 của Canada chỉ là 69 triệu USD (theo giá hiện tại). Còn ở Anh, tất cả đảng phái của Anh cũng chi tổng cộng 80 triệu USD (theo giá hiện tại) cho các chiến dịch tranh cử của họ trong cuộc bầu cử năm 2019.
Còn trong chiến dịch tranh cử kéo dài sáu tuần của Anh năm nay, tân Thủ tướng Anh Keir Starmer và đảng Lao động của ông đã huy động được 12,3 triệu USD trong khi đảng Bảo thủ của cựu Thủ tướng Rishi Sunak chỉ huy động được 2,5 triệu USD, theo tờ The Wall Street Journal.
Ngược lại, Phó Tổng thống Kamala Harris đã huy động được 300 triệu USD trong hai tuần đầu tiên kể từ khi thay Tổng thống đương nhiệm Joe Biden là ứng cử viên đảng Dân chủ. Hiện tại, bà Harris đã huy động được gần 1 tỉ USD.