Ngày HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn đội U-20 Việt Nam vừa từ Hàn Quốc về nước cũng nhận lấy nhiều lời khó nghe.
Ba năm trước, cầu thủ của bầu Đức khoác áo U-19, U-20 quốc gia tạo nên những cơn sốt cho người hâm mộ Việt Nam vốn thờ ơ với các giải trong nước. Sau đó, Công Phượng và đồng đội trở thành nòng cốt của HA Gia Lai chơi V-League thua tơi bời. Không ít nhà chuyên môn mỉa mai cách chơi của họ hồn nhiên, đơn điệu, dễ bị bắt bài, rằng nho còn xanh lắm… Qua mùa thứ hai (2016), mùa thứ ba (2017) dần dần nho chín, cầu thủ HA Gia Lai bản lĩnh và tiến bộ hơn. Chính lứa cầu thủ này và đàn em góp quân nhiều nhất cho các đội tuyển trẻ lên đến tuyển quốc gia.
Tội cho bầu Đức chấp nhận những lời chê trách nặng nề từ nhiều giới nhưng vẫn trung thành với cách làm của mình. Nay lại nghe bầu Đức hạ thấp HLV Hoàng Anh Tuấn không có gì đặc biệt khi dẫn dắt U-20 vào đến World Cup chẳng khác gì một thời ông hứng chịu.
Bóng đá vốn cần trải nghiệm mới rút tỉa nhiều kinh nghiệm. Dĩ nhiên một anh lính mới ba tháng quân trường không thể bằng một chiến binh già dặn cầm súng ở chiến trường lâu năm. Sách vở trường lớp dạy cỡ nào cũng không bằng thực địa.
Nói đâu xa, ở U-20 World Cup đang diễn ra, hai ông lớn của châu lục là chủ nhà Hàn Quốc và Nhật Bản vừa bị Bồ Đào Nha, Venezuela loại mới thấy rõ sự khác biệt, sự nghiệt ngã của cuộc chơi. Rằng còn lâu lắm bóng đá châu Á mới đuổi kịp châu Âu, Nam Mỹ… huống hồ “vùng trũng” Đông Nam Á, bởi sự khác biệt về đẳng cấp.
Bóng đá Việt Nam ra sân chơi châu lục thua thiệt từ thể hình, sức mạnh, độ bền… mà một sớm một chiều khó mà cải thiện. Nó đòi hỏi thời gian rất dài cùng nỗ lực từ nhiều phía. Chẳng hạn, đội tuyển U-20 Việt Nam vừa trở về thì trách nhiệm của CLB hoặc của VFF phải làm gì giúp cho các em tiếp tục phát triển?
Từ chuyện đám trẻ bầu Đức trầy trật ở V-League bị chê trách hay HLV Hoàng Anh Tuấn bị chỉ ra nhiều hạn chế trong môi trường bóng đá Việt Nam là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề là sau những cuộc tranh cãi, có kinh nghiệm nào được rút ra để hoàn thiện mình hay không mà thôi.