Bầu Tú không muốn trọng tài là nạn nhân

Chia sẻ với tôi, một trọng tài nói rất thật trong sự lo âu: “Đánh lớn, đánh to rồi! Nếu bầu Tú làm quyết liệt, tôi mong ông ấy đủ dũng cảm và không bị giằng xé bởi các thế lực mà chùn tay. Anh em trọng tài cũng khổ lắm. Có những chuyện anh em bất bình nhưng không dám hé môi vì nồi cơm.

Có những trọng tài nghiêm túc và muốn phấn đấu nhưng không biết đường đi cách đi nên ít được phân công còn có những trọng tài sai lè, sai cả về luật nhưng cứ được bao che và tiến thân. Giờ trọng tài chịu mang tiếng chung chúng tôi cũng hổ thẹn lắm và mong bầu Tú nếu mạnh tay được hãy làm đến nơi đến chốn”.

Qua các thời kỳ, các mùa giải, lực lượng trọng tài được đầu tư nhiều nhưng lại khó phát triển bởi “lỗi hệ thống”. Ảnh: XUÂN HUY

Câu chuyện của tôi với một số trọng tài ít có tiếng nói và cũng ít số má tất nhiên chỉ mới là một chiều và điều này được tôi kiểm chứng qua một vài thành viên trong Ban Trọng tài. Và một sự thật là chính trong Ban Trọng tài cũng có những bất bình từ việc quyền hành và cả việc ban phát, yêu ghét trong giới trọng tài, giám sát.

Có những câu chuyện “được” phân công (tất nhiên có chế độ cao) rồi “phải” biết điều (gọi là nghĩa vụ) với những quy tắc bất thành văn ở các giải đặc biệt là hai giải quốc tế gần đây nhất được chính giới trọng tài lan truyền nhau, càng khiến giới trọng tài phải có cái nhìn về “luật riêng” theo kiểu “biết thì được yêu”.

Những điều này tôi tin chắc bầu Tú khi bước chân vào bóng đá ông đều biết hết bởi quanh ông còn có những người ngay, người hiểu và những người muốn giúp ông làm trong sạch dần ít nhất là ở V-League.

Bầu Tú dũng cảm ra quyết định không mời ông Hiền làm giám sát dựa vào đâu?

Vào việc không hoàn thành nhiệm vụ (giám sát) và tất nhiên không chỉ là hiện tượng. Ông Hiền có những lỗi thuộc về chuyên môn, trong đó có việc bỏ qua lỗi nặng của trọng tài Nguyễn Trọng Thư (phút 85 trận Than Quảng Ninh - Nam Định). Nói là bao che thì chưa hẳn nhưng nếu không bao che thì là ông Hiền kém về nghiệp vụ.

Ở đây VPF chưa dám khẳng định trong việc phân công trọng tài nhưng chắc chắn VPF và hơn hết là chỗ bầu Tú có nhận được không ít thông tin về những bất hợp lý hay có ưu ái cho trọng tài và cả giám sát.

Thời ông Nguyễn Hữu Bàng, làm trưởng giải, ông Bàng từng chia sẻ rất thật rằng có những điều ở Hội đồng Trọng tài (khi ấy chưa là Ban Trọng tài) ông biết, nhiều người biết nhưng không thể đụng vào được bởi hiệu ứng domino và bởi đằng sau hội đồng đấy là cả những thế lực.

Thời ông Thắng làm chủ tịch HĐQT VPF, ông từng đau đớn nhìn “đứa con đẻ” của mình bị “giết”. Ảnh: CTV

Thời ông Võ Quốc Thắng làm chủ tịch HĐQT VPF, mới chỉ mùa giải trước, ông Thắng ngồi trên khán đài xem trọng tài “giết” đội bóng từng là đứa con tinh thần của ông mà ông bất lực. Thậm chí khi ấy cạnh ông Thắng là trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc mà ông Thắng còn không hé môi được, bởi biết rõ sau ông Ngọc là ai và đó cũng là người tác động lẫn ảnh hưởng đến các trọng tài như thế nào.

Nhiều người hay ngần ngại khi bầu Đức lên án ông Mùi cứ như là mafia trong giới trọng tài nhưng người trong cuộc hiểu rất rõ chỉ mình ông Mùi ngồi ghế trưởng ban mà không được “bật đèn xanh” thì làm gì vừa được phân công trọng tài, vừa được làm giám sát lại vừa có người nhà từng bị chỉ trích lên án rất nhiều mà vẫn tồn tại.

Có một chi tiết mà người trong cuộc chỉ ra là vì sao cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm ông Mùi khỏi vị trí trưởng Ban Trọng tài của bầu Đức bị thất bại là vì có nhiều đội bóng được hưởng lợi từ trọng tài còn những đội thấp cổ bé miệng thì rất sợ ông Mùi mất ghế sẽ có ông X, Y, Z lên và hoành hành rồi trả thù.

Vấn đề của Ban Trọng tài hiện nay rõ ràng là không phải ông nào ngồi ghế trưởng hay phó ban, ông nào được quyền vừa phân công vừa đi làm giám sát mà là ai đã để cho Ban Trọng tài thành một hệ thống khép kín tận dụng quyền sinh quyền sát để chi phối trọng tài và làm trọng tài phải “mềm” với luật riêng của mình?

Điều này rõ ràng là cản trở sự phát triển một cách nghiêm túc của giới trọng tài nói chung. Ở đây cũng cần dẫn chứng nhiều trọng tài Việt Nam có uy tín với AFC, với FIFA nhưng không “mềm” với cấp trên lại là trọng tài ít được phân công hay ít được “trận thơm”.

Ông Tú đến mùa này chắc chắn mới hiểu và khi ông chạm vào chỗ nhạy cảm nhất thì ông càng hiểu hơn là mình làm vì cái chung nhưng người ta sẵn sàng đạp đổ tất cả để bảo vệ cho “hệ thống” đã ăn rễ và tồn tại từ rất lâu rồi của mình.

Điều này khi lập VPF, bầu Kiên từng chỉ ra rất rõ, thậm chí còn chỉ thẳng chính giới trọng tài, chính lỗi hệ thống trong công tác điều hành trọng tài mà một đội bóng lớn như Hòa Phát phải giải thể vì thiếu minh bạch và vì chèn ép.

Lại thêm một điều rất lạ đó là trong khi giữa những nhà điều hành giải và Ban Trọng tài đang ồn ào chuyện lý, chuyện đúng, sai. Thậm chí có cả việc VPF đứng trước cuộc đấu tố sẵn sàng cho “nổ” hết thì nhân vật có trách nhiệm cao nhất là VFF vẫn im tiếng.

Trọng tài cần được bảo vệ nhưng không có nghĩa là họ làm theo lệnh, theo chỉ đạo thì được bảo vệ kể cả cái sai. Ảnh: DƯƠNG THU

VFF có cổ phần và có nhiều người tham gia VPF; VFF có lãnh đạo phụ trách Ban Trọng tài; VFF đứng trước số phận của một giải đấu mới đi 1/4 chặng đường mà đã rối tung và đánh đấm… Thế nhưng VFF hay nói đúng hơn là người có trách nhiệm cao nhất phụ trách về chuyên môn, về bóng đá chuyên nghiệp và về trọng tài vẫn “núp” trong bóng tối.

Hay là vì lo chạy chức, chạy ghế và lo cả giải trình khiến các quan VFF giờ không coi V-League, coi bóng đá là chuyện của mình?

Đụng vào “hệ thống trọng tài” chắc chắn bầu Tú sẽ gặp rất nhiều phản ứng tự vệ và thủ thân nhưng nếu ông không làm thì bóng đá Việt Nam vẫn cứ rối với trọng tài.

Bây giờ lại rất cần những người có cái tâm đứng bên cạnh bầu Tú để nhiều trọng tài muốn sống ngay sống thẳng, sống đúng với nghề không thành nạn nhân.

Hy vọng là bầu Tú không đơn độc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới