VPF có quá trớn khi 'xử' trọng tài và giám sát?

Lần đầu tiên V-League không còn ban tổ chức giải mà thay vào đó là ban điều hành giải trực thuộc VPF. Chỉ là thay tên nhưng thực chất vai trò và bản chất công việc hoàn toàn giống nhau.

Khi VPF quá nhanh, quá nguy hiểm

Sau vụ lùm xùm trên sân Nha Trang liên quan đến trọng tài Nguyễn Văn Kiên cùng công văn khiếu nại của CLB HA Gia Lai, ban điều hành đã họp khẩn rồi đi đến quyết định rất mạnh tay và có phần táo bạo: Không mời làm nhiệm vụ giám sát Dương Văn Hiền và hai trọng tài Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Trọng Thư.

Tất nhiên, vì thẩm quyền của ban điều hành giải chỉ kéo dài đến hết giải V-League 2018 nên việc không mời làm nhiệm vụ những thành viên trên cũng có thời hạn đến hết giải.

Ba thành viên: Nguyễn Trọng Thư (trái), Dương Văn Hiền (ảnh nhỏ) và Nguyễn Văn Kiên bị VPF cho thôi làm nhiệm vụ đến hết mùa 2018. Ảnh: QUANG THẮNG

Lập tức phía VPF và ban điều hành gặp hàng loạt những phản ứng từ người của VFF và của Ban Trọng tài, mà lên án mạnh mẽ nhất là Phó ban Trọng tài Dương Văn Hiền (cũng là giám sát trọng tài).

Về nguyên tắc, VPF là đơn vị thanh toán các khoản tiền làm nhiệm vụ, ăn ở, di chuyển, bồi dưỡng… của các trọng tài và giám sát nhưng VFF và Ban Trọng tài là bộ phận cử người (giám sát, trọng tài) và phân công. Nguyên do, đấy là công việc thuộc phần chuyên môn và thẩm quyền của VFF.

Nó hoàn toàn tuân theo nguyên tắc hoạt động của FIFA, giống như World Cup, những nhà tổ chức điều hành hoặc làm gì thì làm, còn việc cử trọng tài, giám sát, đánh giá, tập huấn và chịu trách nhiệm về chuyên môn là của FIFA và Ban Trọng tài FIFA.

Thế nên vừa qua, khi VPF và ban điều hành giải họp khẩn xong và vội vàng đưa ra quyết định không mời giám sát Dương Văn Hiền cùng hai trọng tài Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Trọng Thư là khá vội vàng. Điều này có thể thành công về mặt “lấy điểm” với dư luận với HA Gia Lai và với bầu Đức (người đang phản ứng rất mạnh những sai trái của trọng tài Kiên trong trận Sanna Khánh Hòa - HA Gia Lai) nhưng về nguyên tắc làm việc thì chưa đủ.

Vụ án bàn thắng phút 90 sân Nha Trang bắt nguồn cho hàng loạt án trảm và những tranh luận kéo dài. Ảnh: CTV

Người của VPF có vừa đá bóng vừa thổi còi?

VPF là một đơn vị tổ chức giải nhưng không thể là đơn vị tự cho mình cái quyền nhúng tay can thiệp sâu vào chuyên môn của trọng tài, kể cả nhìn thấy rất nhiều điều bất hợp lý.

Về nguyên tắc làm việc, nếu VPF không vội vàng tung tin cho báo chí về việc “treo” người của VFF cử sang đến hết giải mà chuyển sang theo hình thức báo cáo hoặc đề nghị thì chắc chắn nếu thuyết phục, nếu đúng là vì cái chung thì VFF cũng sẽ đồng thuận và rút người của mình về để kỷ luật, giáo dục hoặc bồi dưỡng thêm về chuyên môn.

Ở đây, có thể VPF vì sốt ruột với công tác trọng tài bị ca thán và lên án quá, đồng thời muốn khẳng định mình hơn bộ máy cũ mà đang tự cho mình cái quyền hạn lớn như thời bầu Kiên “xử trảm” treo còi hai trọng tài vĩnh viễn.

Nhưng phải thừa nhận hồi đó bầu Kiên dùng áp lực để buộc VFF và Ban Trọng tài xử, chứ ông Kiên không trực tiếp ký văn bản và xử như VPF vừa làm. Ông Kiên ngoài những mối quan hệ lớn bên ngoài còn là người đưa được bằng chứng hai trọng tài mà ông đề nghị treo vĩnh viễn vòi vĩnh ra giá đòi tiền các CLB bằng công nghệ “nghe lén điện thoại” (!?).

Điều mà sau này chính bầu Đệ (Thanh Hóa) lên án rằng như vậy là phạm pháp, nhưng với “bằng chứng” đấy, bầu Kiên đủ sức ép VFF và Ban Trọng tài ra án đồng thời dằn mặt nhiều trọng tài, nhiều CLB chơi kiểu đồng tiền làm méo tiếng còi.

Sau vụ VPF “xử” sớm mà không cần chứng cứ lại chưa làm đúng khi thiếu thủ tục báo cáo, đề nghị với VFF, nhiều người lại thấy thương cho bầu Tú vì quá non trong mặt trận V-League khác rất xa với mặt trận Futsal mà ông vẫn điều hành và có thể một chữ ký (của ông) có thể hiệu lực tất cả.

Cá nhân tôi cho rằng bầu Tú có ý tốt muốn cho V-League phát triển bắt đầu bằng việc phá vỡ những quan hệ trong giới trọng tài và cả những bao che đã tồn tại lâu nay mà nhiều đời trưởng giải, nhiều lãnh đạo VFF chưa đụng đến được.

Bên cạnh đó, có thể bầu Tú ngây thơ nghe lời quân sư hay cấp phó của mình đã và đang là ông chủ đội bóng chỉ điểm nên vội vàng “bút sa gà chết”. Không biết bầu Tú trước khi ra hàng loạt quyết định có biết rằng Phó Chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng cũng là lãnh đạo đội Hải Phòng đã từng can thiệp vào chuyện nội bộ của công tác trọng tài khi đề nghị thẳng với ông Dương Văn Hiền phân công trọng tài X, Y, Z… làm.

Điều này rõ ràng là lấy quyền của VPF cũng sai mà lấy quyền của lãnh đạo CLB Hải Phòng thì càng sai nữa. Nói như Phó ban Trọng tài Dương Văn Hiền, người trực tiếp phân công trọng tài, thì việc ông phó chủ tịch VFF kiêm lãnh đạo CLB Hải Phòng “chỉ đạo” Ban Trọng tài nhưng không được đáp ứng lại còn bị chỉnh khiến ông Hùng nhân vụ việc trọng tài không hoàn thành nhiệm vụ thì “bắn” luôn cả hai (!?).

Cũng cần biết là trước giải, chính VPF đã đòi ôm luôn cả việc phân công, quản lý trọng tài nhưng không được chấp thuận vì điều này trái với quy định của FIFA và không đúng trong điều lệ hoạt động liên quan đến Ban Trọng tài.

V-League mới đi có ¼ chặng đường nhưng đang rất rối. Rối từ công tác tổ chức, rối cả công tác điều hành và rối cả trong mối quan hệ nhập nhằng giữa VPF và VFF. Đặc biệt hơn là việc xử phạt hay xử những cá nhân, những bộ phận làm nhiệm vụ tại giải cũng cần phải đúng quy định, đúng luật, tránh việc hùa theo dư luận cứ thấy vỗ tay, thấy được khen lại tưởng là đúng.

Điều mà giới chuyên môn đang lo lắng là V-League có thể bể giải kéo theo chất lượng chuyên môn đi xuống từ vấn đề niềm tin cộng với sự yếu kém về kinh nghiệm của những người điều hành giải.

Nguy hiểm với V-League bây giờ là cứ sau mỗi vòng đấu, nhiều người lại thở phào vì chưa bể.

Phó ban Trọng tài Dương Văn Hiền chỉ đích danh phó chủ tịch VPF

VPF có quá trớn khi 'xử' trọng tài và giám sát? ảnh 3Phó Chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng (trái) và Chủ tịch VPF Trần Anh Tú. Ảnh: XUÂN HUY

Cách đây mấy vòng đấu, tôi nhận được công văn của VPF do Phó Chủ tịch Trần Mạnh Hùng ký yêu cầu tôi bố trí trọng tài bắt trận này, trận nọ. Tôi thấy vô lý quá nên phúc đáp: Đây là trách nhiệm của Ban Trọng tài thuộc VFF, ban điều hành V-League không có thẩm quyền phân công trọng tài và tôi không thể theo ý các anh được”.

Không ngờ anh Hùng đáp trả tôi bằng những tin nhắn đầy thù hằn. Trong tay tôi còn đầy đủ công văn và lời nhắn gây hấn của Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng, cũng là Phó Chủ tịch VPF, khi tôi từ chối để ông ta phân công trọng tài. Tôi không hiểu vì sao ông Trần Mạnh Hùng lạm quyền ở VPF như vậy mà các thành viên HĐQT lại để yên….

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm