Trong hai tháng 12-2013 và 1-2014, Y Lúy Kđoh, Y Men Kđoh và Y O Kđoh (cùng ngụ huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) đã vào khu vực suối Đắk Na (Vườn quốc gia Yok Don) bẫy được hai con thú lớn giống loài bò. Họ cắt đầu, xẻ thịt mang về phơi khô, các bộ phận khác thì chất củi đốt phi tang.
Giết hai con bò rừng cũng chỉ phạt hành chính
Ngày 14-1-2014, hành vi của họ bị phát hiện. Công an huyện Buôn Đôn đã thu giữ hai đầu động vật có sừng và 12 kg thịt sấy khô. Theo kết quả giám định, hai động vật bị bẫy, giết là hai con bò rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB. Giá trị tính bằng tiền của hai đầu bò rừng và 12 kg thịt bò rừng thu được là 45 triệu đồng.
Theo Điều 190 BLHS hiện hành, hành vi của ba người vi phạm nói trên có đủ dấu hiệu về mặt khách quan để cấu thành tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Theo điểm 4 phần IV Thông tư liên tịch số 19/2007 của liên bộ trung ương và Mục 42 Bảng phụ lục kèm theo thông tư thì đặt bẫy, săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán… trái phép từ một con bò rừng trở lên là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 190 (khung hình phạt từ hai năm tù đến bảy năm tù).
Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng huyện Buôn Đôn đã không thể khởi tố ba người vi phạm mà chỉ phạt hành chính. Bởi lẽ theo điểm a khoản 2 Điều 7, điểm c khoản 8 Điều 21 Nghị định 157/2013 của Chính phủ (xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản), hành vi bẫy, giết… động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý hiếm nhóm IB chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu tang vật vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng. Ở đây, giá trị tính bằng tiền của tang vật vi phạm (hai đầu bò rừng và 12 kg thịt bò rừng) chỉ có 45 triệu đồng.
Hiện cơ quan tố tụng khó xử lý hình sự người săn bắt, bẫy… động vật hoang dã. Trong ảnh: kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Don bắt được một người săn bắt heo rừng. Ảnh: YOK DON
Nhiều bất cập
Trên thực tế, kể từ khi Nghị định 157/2013 có hiệu lực (ngày 25-12-2013), tại Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung, các đối tượng săn bắt động vật hoang dã quý hiếm hầu như không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Như đã nói, theo Nghị định 157/2013 thì tang vật vi phạm phải có giá trị trên 100 triệu đồng mới xử lý hình sự. Trong khi đó, các cơ quan chức năng hầu như không bắt được vụ nào mà tang vật vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng. Nguyên nhân là các đối tượng sau khi săn bắt, bẫy, giết động vật hoang dã thì thường xẻ thịt và chỉ mang một số bộ phận đi tiêu thụ. Cơ quan chức năng có bắt cũng chỉ thu được một số bộ phận của động vật hoang dã như thịt, sừng, mật… chứ không thể thu được toàn bộ tang vật. Khi trưng cầu giám định, cơ quan giám định chỉ định giá tang vật thu được, kết quả là không có vụ nào tang vật có giá trị trên 100 triệu đồng.
Theo Nghị định 157/2013, cho dù đầy đủ căn cứ để xác định người vi phạm đã săn bắt, bẫy, giết… cả chục con bò tót nhưng nếu mỗi con bò tót, cơ quan chức năng chỉ thu được một bộ phận (sừng, móng, đuôi…), khi đi giám định giá trị không hơn 100 triệu đồng thì người đó cũng chỉ bị xử phạt hành chính. Các loại động vật hoang dã, quý hiếm khác như voi rừng, trâu rừng… cũng vậy. Hoặc hiện nay, một con rắn hổ mang chúa trưởng thành có giá thị trường khoảng 2 triệu đồng nên người vi phạm phải bắt hơn 50 con mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Có lẽ bắt hết rắn hổ mang chúa của cả tỉnh Đắk Lắk cũng không đủ!
Nghị định 157/2013 có xu hướng “đánh” vào kinh tế của người vi phạm, tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm. Vấn đề là ở Đắk Lắk và một số địa bàn vùng cao khác, đồng bào dân tộc đi săn bắn, bẫy, giết… động vật hoang dã bị cơ quan chức năng ra quyết định phạt tiền với mức phạt rất cao. Tuy nhiên, đồng bào đều nghèo, lấy đâu ra tiền mà nộp phạt. Cuối cùng việc thu tiền phạt cứ “treo” năm này qua năm khác không thể thực hiện được và đồng bào cũng chẳng sợ bị phạt tiền vì “nhà mình không có tiền”.
Cần hướng dẫn mới phù hợp hơn
Điều 244 BLHS 2015 (có hiệu lực từ 1-7-2016) về tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm đã quy định tương đối đầy đủ, chặt chẽ, chi tiết các hành vi khách quan của tội này. Tuy nhiên, từ nay đến 1-7-2016, các hành vi săn bắt, bẫy, giết… trái phép động vật hoang dã vẫn đang xảy ra và các cơ quan chức năng vẫn phải bó tay, không thể xử lý nghiêm khắc hơn vì vướng bất cập từ Nghị định 157/2013.
Thiết nghĩ khi Chính phủ xây dựng, ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 157/2013 cho phù hợp với BLHS 2015 thì cần phải nắm bắt, khảo sát kỹ tình hình thực tế để tháo gỡ được bất cập, vướng mắc.
Hơn nữa, Điều 244 BLHS 2015 vẫn còn nhiều vấn đề phải hướng dẫn làm rõ. Ví dụ: Các cửa hàng thuốc bắc trưng bày rượu ngâm rắn hổ mang chúa, vảy tê tê…; các khách sạn, công ty, gia đình trưng bày da hổ, chồn hương, hươu xạ… nhồi bông làm cảnh; các cửa hàng vàng bạc trưng bày đồ trang sức, mỹ nghệ làm từ ngà voi, nanh hổ… thì có coi là hành vi “tàng trữ trái phép” theo Điều 244 BLHS 2015 hay không.
Hướng dẫn cũ: Chỉ một con là khởi tố Trước khi Nghị định 157/2013 ra đời, các cơ quan tố tụng không gặp khó khăn khi xử lý hình sự người săn bắt, bẫy, giết, vận chuyển, buôn bán… trái phép động vật hoang dã, quý hiếm theo Điều 190 BLHS hiện hành. Lý do là các cơ quan tố tụng áp dụng Thông tư liên tịch số 19/2007 của Bộ NN&PTNT - Bộ Tư pháp - Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản) và bảng phụ lục kèm theo. Theo Thông tư liên tịch số 19/2007, chỉ cần săn bắt, bẫy, giết, vận chuyển, buôn bán… trái phép một con động vật hoang dã, quý hiếm như một con voi, một con bò rừng, một con rắn hổ mang chúa… là đủ yếu tố định lượng để khởi tố theo khoản 1 Điều 190 BLHS. Thực tiễn áp dụng cho thấy thông tư rất sát và phù hợp với thực tiễn. Việc xử lý nghiêm người vi phạm đã có tác dụng rất lớn trong việc răn đe, phòng ngừa và bảo vệ động vật hoang dã. Chỉ xem xét giá trị về tiền Hiện nay cơ quan giám định chỉ giám định những tang vật thu được theo giá thị trường tiêu dùng mà chưa có quy định, hướng dẫn để định giá những giá trị khác từ động vật hoang dã như giá trị về thiên nhiên, giá trị về nguồn gen, giá trị sinh tồn, bảo tồn. Mặt khác, hiện cũng chưa có cơ chế, công thức nào cho phép tính toán, quy đổi từ chiếc sừng (hoặc một bộ phận của động vật hoang dã) để tính được trọng lượng, tuổi của động vật hoang dã. |