Bảy Hiền - Căn cứ lõm giữa lòng dân - Bài 2: Người nằm xuống, cờ nổi lên rợp trời

Đến bây giờ, nữ biệt động Nguyễn Thị Mai vẫn không quên sự ngoan cường của bà Nguyễn Thị Năm. “Trong đợt 2 của phong trào Mậu Thân năm 1968, tôi cùng đồng đội đưa 30 thương binh về trú ở nhà chị Năm. Nơi đây cũng có một hầm chứa vũ khí, khi thương binh về thì chuyển vũ khí sang địa điểm khác để có chỗ điều trị. Các mẹ, các chị ở quanh đó kéo đến rửa vết thương, băng bó, lo cơm nước rất đàng hoàng trong suốt cả tháng trời. Chị Năm sau đó bị tình nghi và tra tấn đến mức phải đưa đi điều trị ở nhà thương Chợ Quán nhưng vẫn một mực không khai. Rồi chị trút hơi thở cuối cùng trên tay tôi…” - bà Mai nghẹn lời…

Những người nằm xuống

Không thể kể hết những tấm lòng trung kiên của người dân Bảy Hiền, họ là thợ dệt Lê Văn Bốn bị hy sinh khi đang trên đường làm giao liên, là người dân Nguyễn Tấn Thành và Nguyễn Văn Hồng đã hy sinh trong lúc treo cờ Mặt trận tại trụ sở ấp Chí Hòa 2 vào sáng 30-4…

Ký ức của ông Ngô Quang Thuận, thành viên cánh HT 159, còn ghi lại cảnh người dân Bảy Hiền tình nguyện đi tải thương trong trận Mậu Thân đợt 2 năm 1968. Lần đó khi được cách mạng vận động, 36 gia đình đã tình nguyện chọn những người con khỏe mạnh đi tải thương cho các chiến sĩ từ vùng lõm Bảy Hiền về căn cứ Láng Le, Đức Hòa, Long An. Xong việc, trên đường quay trở về đến khu vực Cầu Tre (quận 11), một thanh niên tên Đức, con của một người bán ve chai ở Bảy Hiền, đã hy sinh trước mũi đạn quân thù.

Sự kiên trung của người dân nơi đây là vậy, mỗi người tình nguyện góp sức cho cách mạng bằng những hành động cụ thể. Ông Phạm Phú Tâm (Ba Nhỏ) kể trong một lần về căn cứ học tập, trước khi trở ra thành phố, anh em bộ đội thường hỏi: Ở thành phố quân địch dày đặc, huơ tay là đụng mật vụ, công an, làm sao mấy anh hoạt động được? Quả thật, nếu không sống ở đây thì không thể biết được. “Tôi hoạt động và ở ngay khu Bảy Hiền, bà con ở đây rất cách mạng, mình sống hòa lẫn trong lòng nhân dân, được dân che chở nên dù địch có đông cỡ nào cũng khó thể phát hiện được”.

Bảy Hiền - Căn cứ lõm giữa lòng dân - Bài 2: Người nằm xuống, cờ nổi lên rợp trời ảnh 1

Căn cứ lõm Bảy Hiền nằm lọt giữa một "rừng" đồn, bót địch. Đồ họa: T.Mận - K.Phượng

Rất nhiều cán bộ đến đây hoạt động như ông Trần Trọng Tân, ông Trương Hòa Bình, bà Thân Thị Thư… ai cũng nói rất an tâm khi vào công tác tại Bảy Hiền. Theo số liệu của UBND phường 11, trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều người dân Bảy Hiền bị địch bắt giữ, tra khảo dã man, có người phải mang thương tật suốt đời nhưng số cơ sở bí mật bị lộ bị bắt rất ít.

Huyền thoại bất tử

Đầu hẻm 80 đường Võ Thành Trang giờ đây có một ngôi miếu thờ liệt sĩ, nơi đó trở thành huyền thoại về nghĩa cử đẹp của người dân Bảy Hiền. Đợt 2 trận Mậu Thân, trong lúc giao chiến giữa hai bên, ba chiến sĩ bộ đội đã hy sinh tại đây. Người dân lập miếu thờ để tri ân các anh. Ngày đầu, miếu được làm từ miếng ván thùng đựng sợi dệt, sau nâng cấp bằng gạch và xi măng. Lính chế độ cũ đập phá, dân làm lại. Lính lại đập phá, dân dựng lại lần nữa. Cuối cùng dân đã thắng, ngôi miếu thờ quân giải phóng hiên ngang tồn tại giữa lòng thành phố. Ngôi miếu luôn được người dân lo nhang khói đủ đầy.

Sau ngày giải phóng, miếu thờ được làm kiên cố hơn. Ông Hồ Thanh Ngọc, một người công nhân thợ dệt có nuôi giấu cán bộ, in rải truyền đơn cho cách mạng, là một trong số những người dân đã chôn ba liệt sĩ nói trên. Sau khi chôn cất bộ đội xong, ông làm bài thơ tưởng niệm. Trước khi mất cách đây vài năm, ông Ngọc lần giở lại bài thơ rồi nói với con cái rằng tâm niệm của mình là muốn dựng một tấm bia bên cạnh miếu liệt sĩ, khắc bài thơ lên đó để con cháu đời sau biết mà nhớ ơn các anh. Các con ông trình bày với cán bộ phường để xin được thỏa mãn ước nguyện của cha. Tấm bia được dựng lên từ đó, kể rằng:

Phường dệt Bảy Hiền lối nhỏ anh sang/ Máu anh đổ thấm sâu vào lòng đất/ Dẫu quân thù chúng ngày đêm vây chặt/ Miếu vô danh liệt sỹ vẫn dựng thờ/ Khói hương trầm quyện với những đường tơ/ Với truyền thống của người dân xứ Quảng/ Tuy đơn sơ nhưng ân tình ngời sáng…”.

Cờ bay rợp trời

Nằm ngay trong lòng địch nhưng vùng Bảy Hiền lại là nơi rục rịch giải phóng sớm nhất ở Sài Gòn. Từ đầu tháng 4-1975, các lực lượng cách mạng tại đây đã tìm cách mua vải rồi tổ chức người dân may cờ. Cờ Mặt trận có ba màu gồm xanh, đỏ và sao vàng, nếu mua ba màu vải cùng một chỗ dễ bị địch phát hiện, do vậy phải mua mỗi nơi một màu, ví dụ mua vải đỏ ở chợ ông Tạ, vải xanh ở Chợ Lớn…

Mua vải thì dễ nhưng để may được cờ mới là khó. Các đơn vị phải nhờ người dân may. Tại nhà may Tuấn và các căn gác khác trong dân được tận dụng tối đa để may ngày may đêm. Bà Ba Thê (Nguyễn Thị Ba, người từng nuôi giấu cán bộ ở đây) kể: “Đợt đó tui ở dưới nhà vừa dệt, vừa canh chừng cho tụi nhỏ may cờ trên gác. Chu choa, tụi hắn cứ rột rột cả đêm, tui dệt liên tục để át tiếng đó”. Khi may xong cờ, các đơn vị lấy cờ phân tán ra giấu trong các nhà dân.

Để chuẩn bị khởi nghĩa, nhóm ông Phạm Phú Tâm, Võ Hoàng Chương đặt ra yêu cầu là phải có một lá cờ thật lớn để treo trên nóc BV Vì Dân (BV Thống Nhất ngày nay) nên đã nhờ ông Nguyễn Công Tánh móc nối người chị là bà Phạm Thị Xuân Năm may giúp. Tuy có chồng là một quân cảnh Sài Gòn nhưng khi nghe chuyện may cờ, bà Năm đã bàn với chồng, rồi nhận lời ngay. Bà Năm nhớ lại: “Tôi đóng cửa lại yên tâm ngồi may ở nhà sau, nhà của quân cảnh nên chẳng có ai kiểm tra làm gì”.

Gần đến ngày độc lập, người dân Bảy Hiền đã may hàng ngàn lá cờ, góp tiền mua lương thực để đón quân giải phóng. Nhà thuốc Huỳnh Kim Hoàng và Đặng Thanh góp thuốc men và dụng cụ y khoa… Tất cả chuẩn bị cho ngày giải phóng. Lúc này nhân dân khu vực Bảy Hiền đã thật sự làm chủ tình hình, kẻ địch đã tê liệt. Một số cơ sở của ta đã khắc con dấu cách mạng hẳn để chờ ngày giành chính quyền.

Khoảng 6 giờ 30 sáng 30-4-1975 lịch sử, nhóm cơ sở Ban Tuyên huấn cùng nhiều đơn vị khác đồng loạt nổi lên giành chính quyền. 9 giờ 30, tướng Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn trên Đài phát thanh Sài Gòn. Lúc này tất cả mọi nhà trong khu Bảy Hiền đã rợp cờ Mặt trận tung bay. Bảy Hiền hoàn toàn được giải phóng.

* * *

Hết lòng theo cách mạng, có người đã nằm xuống vì viên đạn của kẻ thù nhưng khi lính chế độ cũ về trong ngày giải phóng, người dân Bảy Hiền đã kêu vào nhà cho tiền, áo quần để về quê. Gần 40 năm sau hòa bình, cán bộ chính sách phường hỏi ông Phạm Thế Quý (Hai Quyến), người đã từng nuôi giấu cán bộ cách mạng, rằng sao không khai báo gì để hưởng chính sách, ông phất nhẹ tay: “Làm mấy chuyện đó là lẽ đương nhiên, ở đây ai cũng rứa mà!”.

Trong kháng chiến, lực lượng của tôi về Bảy Hiền ém quân để làm bàn đạp tấn công trong các trận đánh lớn như phi trường Tân Sơn Nhất, chiến dịch Mậu Thân, chiến dịch Hồ Chí Minh… Chúng tôi đã được nhân dân nơi đây đùm bọc, chở che, nuôi dưỡng, cung cấp thuốc men, quân nhu, lương thực… Năm Mậu Thân 1968 và ngày 30-4-1975, nhờ nhân dân vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bảy Hiền mà sự thiệt hại của cách mạng hạn chế ở mức thấp nhất. Tôi đề nghị Hội đồng Thi đua Khen thưởng các cấp phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước cho nhân dân vùng này.

Ông NGUYỄN VĂN THUYỀN (BA TÔN), người lãnh đạo phân ban Tây Nam Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ, nguyên Trưởng ban An ninh nội chính TP.HCM

Tại Đại hội Đoàn toàn miền Nam năm 1973, sau khi rà soát các lõm căn cứ thì chúng tôi chọn xóm lao động X của Sài Gòn để báo cáo điển hình. Báo cáo do đồng chí Mười Hùng trình bày (năm 1975, anh Mười Hùng đã hy sinh tại Thủ Đức). Báo cáo này làm xúc động cả đại hội toàn miền Nam vì lòng dân ở đây. Sau này mới biết xóm lao động X đó là khu Bảy Hiền.

Bà TRƯƠNG MỸ LỆ (TƯ LIÊM), nguyên Quyền Bí thư
Thành đoàn TP.HCM, Trưởng đoàn đại biểu
Sài Gòn - Gia Định năm 1973

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm