LTS: Ngày mai (1-9), Đảng ủy, UBND phường 11, quận Tân Bình (TP.HCM) sẽ họp mặt những chứng nhân lịch sử đã tham gia hoạt động tại khu Bảy Hiền trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đây là một vùng lõm chính trị, căn cứ cách mạng đặc biệt giữa vòng vây quân thù ở Sài Gòn, nơi che chở an toàn cho nhiều cán bộ cách mạng. Nhân dân và cán bộ, chiến sĩ nơi này xứng đáng được phong anh hùng.
Ông Nguyễn Đình Xân (Bảy Xân) - một thợ dệt có tuổi ở khu Bảy Hiền kể: “Dân ở đây dễ thương lắm! Trước 1975, hễ thấy có lính, cảnh sát đi lùng bước vô đầu hẻm là từ người già đến con nít đều phất tay ra hiệu “lính vô” để các anh chị nào không có giấy tờ hợp pháp biết mà trốn đi. Khi lính bố ráp, đàn bà để ba, bốn máy dệt chạy không thoi, giả vờ như đang có người dệt để đàn ông trốn đi hết”.
“Vô đây là được an toàn!”
Thời kháng chiến chống Mỹ, từng người dân Bảy Hiền luôn âm thầm có những hành động cụ thể góp sức cho cuộc kháng chiến. Bà Nguyễn Thị Mai, nữ biệt động Sài Gòn (đơn vị 90C F100), là một người dân ở Bảy Hiền. Hồi đó, hằng ngày bà buôn bán rau nhưng bên trong những gánh rau ấy là thuốc nổ, lựu đạn cùng với đồng đội đem về cất giấu trong sáu hầm vũ khí tại nhiều nhà dân ở Bảy Hiền. Từ đây, số vũ khí này được sử dụng để đánh phá nhiều căn cứ của Mỹ tại khu vực Bảy Hiền và nội thành Sài Gòn.
Không muốn nhắc về mình, bà Mai nói về những người dân đã đùm bọc bà trong những năm kháng chiến. Có người bà còn nhớ tên nhưng có người thì không thể nhớ, vì như bà nói: “Nhiều quá làm răng nhớ hết”. “Năm 1967, tôi ném lựu đạn vào bãi xe hậu cần của Mỹ rồi chạy vào Bảy Hiền, bọn lính rượt theo phía sau. Khi tôi vừa lách qua con hẻm, một người dân vừa chỉ tay vừa nói với tên lính “bả vừa chạy lên chợ bà Hoa!”, trong khi tôi đang chạy theo hướng ngược lại. Thế là tôi được thoát. Hễ cán bộ nào vô đây là coi như được an toàn!”.
Trong căn nhà nhỏ ở số 110 Hồng Lạc của bà Trương Thị Hoèn có đến hai căn hầm bí mật. Ông Ngô Quang Thuận, cựu thành viên đơn vị HT159, cho biết một căn hầm (chứa khoảng 10 người), bà Hoèn dùng để nuôi giấu cán bộ. Nhiều anh chị hoạt động cách mạng từng được nuôi giấu tại đây như Sáu Tấn, Lê Quang Kim, Đỗ Tấn Phong... Căn hầm còn lại là nơi chứa vũ khí. Năm 1967, cơ sở này bị lộ, các cán bộ rời đi an toàn, riêng vợ chồng bà bị địch bắt đi tù, ông một năm, bà sáu tháng.
Ông Nguyễn Ngọc Vân giới thiệu căn hầm từng làm nơi ẩn náu của cán bộ tại nhà mình. Ảnh: T.MẬN
Ở Bảy Hiền, hầu như trong mỗi nhà dân đều có những điểm ẩn nấp an toàn cho cán bộ, chiến sĩ các nơi về hoạt động. Nó là đường hầm dài trong khoang bếp của nhà ông Nguyễn Ngọc Vân, là cái hố ga trong nhà ông Bảy Xân cạnh đó, là hố rau muống phía sau nhà bà Nguyễn Thị Nguyên hay cái giếng cạn cạnh nhà ông Đoàn Phúc…
Thiếu tướng công an Huỳnh Huề (Ba Hoàng) cho biết trong một lần từ cứ về đến Bà Quẹo, ông bị địch xét giấy tờ, phải đưa thẻ sinh viên ra mới đi được. Tuy nhiên, ông vẫn không yên tâm nên đã vào Bảy Hiền ẩn nấp vài ngày rồi mới ra hoạt động tiếp.
Không chỉ là điểm nấp bình yên cho cán bộ, nơi đây còn là điểm cất giấu vũ khí an toàn. Ông Đoàn Phúc nhớ lại: “Khoảng năm 1969, cô Hoàng Thị Khánh giao cho một người ở đội vũ trang tuyên truyền bắn tên ác ôn Trần Kim Thành. Xong việc, họ đem súng về nhà tôi bảo phải cất giữ. Tôi bỏ súng vào chiếc máy dệt cũ rồi phun bụi tơ lên để che lại nên không bị phát hiện”.
Chỗ dựa an toàn cho cách mạng
Năm 1968, nhà dân ở khu vực đường hẻm trước hãng MRK bị đạn pháo của Mỹ đốt cháy gần như toàn bộ. Người dân làm lại nhà, đặt tên đường là Tái Thiết. Sau trận này, người dân truyền nhau câu khẩu hiệu: “Giặc Mỹ đốt nhà/ Cộng hòa bắn phá/ đồng bào ta cam chịu nổi hay sao? Nhân dân Bảy Hiền vùng lên diệt Mỹ, trừng trị ác ôn, giành chính quyền về tay nhân dân”. Phong trào chống Mỹ ngụy trong dân càng lên mạnh.
Bà Nguyễn Thị Ba (Ba Thê) rời xứ Quảng vào Bảy Hiền làm nghề dệt vải từ năm 1962. Bề ngoài là thợ dệt nhưng bên trong là nơi nuôi giấu cán bộ. Trong nhà bà còn có một cán bộ tên Mỹ vừa làm thợ dệt vừa hoạt động. Vừa nhai miếng trầu bỏm bẻm trong miệng, bà Ba Thê kể: “Sau Mậu Thân, địch lùng sục khu này gắt gao, mấy thằng chỉ điểm là mối nguy cho cách mạng. Một bữa, thằng Mỹ mang cây súng đến tận nhà của tên Thùy chỉ điểm để tiêu diệt rồi đem súng về chôn tại nhà. Ba tháng sau, hắn bị địch bắt nhưng không chịu khai báo gì nên bị đày đi Côn Đảo. Bốn mẹ con tui bị bắt lên sư đoàn dù gần đó tra khảo nhưng chúng không moi ra được manh mối gì”.
Đến bây giờ, nữ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Mai vẫn không quên hình ảnh của các mẹ, các chị ào ra khiêng thương binh trong trận quân ta đánh vào tiểu đoàn dù ở BV Vì Dân (nay là BV Thống Nhất). “Tiếng súng chưa ngớt nhưng người dân cứ nhào ra tìm kiếm thương binh, người hy sinh để mang về lo liệu. Tụi tui can ngăn thì bà thợ dệt Hồ Thị Quế còn nộ: “Mi đi được thì tau đi được!”. Không ai bảo ai, người thì mang trứng gà, người mang mì, thuốc men ra cho bộ đội”.
Trước đó, khi bà Mai vừa từ căn cứ về đến Bảy Hiền thì bị người thân của tên lính dù đến nhận mặt bà con từ miền Trung hòng chỉ điểm. Bà Quế đứng gần đó biết chuyện đã nhanh trí đến nhận bà Mai là em dâu ở miền Tây mới lên chơi. Nhờ vậy bà Mai thoát nạn.
Người dân cũng là chiến sĩ
Trước 1975, bà con Phật tử thường tập trung ở chùa Phổ Hiền, ngôi chùa duy nhất tại Bảy Hiền, để đấu tranh chính trị. Trong một lần nghe thầy Thích Tâm Thanh thuyết pháp về chống bầu cử độc diễn của Thiệu, bà con rủ nhau nổi lửa lên đốt thẻ cử tri để phản đối bầu cử độc diễn, đòi hòa bình, chống chiến tranh. “Tụi dã chiến đàn áp, bà con nhảy lên nóc nhà bỏ ống tơ, thùng phuy ra đường để họ trượt chân té ngã, lấy gạch đá nện xuống. Cầm cự một hồi rồi tụi nó cũng rút lui, bà con ai về nhà nấy” - ông Nguyễn Hồng Giáo, cựu thành viên cánh Tuyên huấn Y4, nhớ lại.
Ông Giáo cho biết các mẹ, các chị ở đây thường xung phong nhận nhiệm vụ đi làm giao liên từ căn cứ về nội thành. Họ ngụy trang tư liệu rất khéo, khi thì bỏ trong quả bầu, trái dưa leo, quả cau trong giỏ rau đi chợ, khi thì trong ống kem đánh răng đã dùng hết… nhưng chưa lần nào bị địch phát hiện. Khi cách mạng cần, người dân Bảy Hiền luôn sẵn lòng xung phong đi chiến trường tải thương, sẵn lòng góp hơn 12 triệu đồng tiền bấy giờ, sẵn lòng ủng hộ thuốc men, lương thực.
Sau Mậu Thân, nhân dân Bảy Hiền được biết đến như một chỗ dựa an toàn cho lực lượng cách mạng. Chính quyền Sài Gòn ra sức khủng bố, muốn xóa trắng vùng căn cứ cách mạng này nhưng bất khả thi.
Căn cứ vững chãi giữa lòng dân Những năm 1950, những người dân miền Trung (chủ yếu là Quảng Nam) vào Nam lập nghiệp đã chọn khu vực Bảy Hiền làm nơi bám trụ với nghề dệt vải là chủ yếu. Khoảng năm 1960, Bảy Hiền có hơn 4.000 dân sinh sống, trở thành khu dân cư vùng ven mới của Sài Gòn. Ngã tư Bảy Hiền là cửa ngõ trấn thủ quan trọng để vào nội thành nên chế độ Sài Gòn bố trí dày đặc các căn cứ quân sự, trại lính tại đây. Từ đó khu dân cư Bảy Hiền nằm lọt thỏm trong lòng địch. Nhưng ngọn lửa cách mạng vẫn âm ỉ cháy. Người thì có thân nhân đi kháng chiến, người thì trốn quân dịch (không đi lính chế độ cũ) chạy vào đây… nên ai cũng đều một lòng hướng về cách mạng, che chở cho những đơn vị cán bộ cách mạng về đây hoạt động. Sau Mậu Thân năm 1968, ngay trong lòng Bảy Hiền, các cơ sở Phụ vận, Binh vận, Trí vận, Tuyên huấn Y4, Thành đoàn, Quân báo J90, An ninh T4, Điệp báo A10, Biệt động thành 90C, cơ sở HT159… hình thành và bám trụ hoạt động. Các đơn vị này lấy vỏ bọc bên ngoài là những người làm công tác xã hội, những anh sinh viên dạy kèm, những người thợ dệt… để hoạt động. Họ ở rải rác trong nhà dân và được che chở an toàn. Nhà dân trở thành nơi nuôi cán bộ chiến sĩ, in và cất giấu tài liệu, cất giấu vũ khí… |
THANH MẬN
Bài 2: Người nằm xuống, cờ nổi lên rợp trời
Có những người chân đất đã nằm xuống, có liệt sĩ được nhân dân lập miếu thờ đến nay. Ngày 30-4-1975, trước cả khi ông Dương Văn Minh tuyên bố ngừng bắn, khu Bảy Hiền đã cờ bay rợp trời…