Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, nhiều bạn đọc cho biết đã bị các đối tượng lừa đảo dẫn dụ sang nước ngoài làm việc với lời quảng cáo “việc nhẹ lương cao”, “chỉ cần ngồi máy tính và nghe điện thoại”,… Ngoài ra, tại Việt Nam, tình trạng lừa đảo tuyển dụng xuất hiện khắp trên mạng xã hội, nhiều nạn nhân tiền mất tật mang vì ứng tuyển vào các vị trí như nhân viên siêu thị, nhân viên rạp chiếu phim,… do tin lời các đối tượng.
Đáng nói là cơ quan chức năng đã cảnh báo, báo chí đã tuyên truyền rất nhiều nhưng số nạn nhân mắc bẫy liên tục xuất hiện.
Dụ ra nước ngoài làm việc
Liên quan đến tình trạng bẫy việc nhẹ lương cao, anh HTD (ngụ TP.HCM) cho biết trước đây khi tìm việc, anh bấm vào một thông tin tuyển dụng lao động nước ngoài đăng trên mạng xã hội thì ngay lập tức một tài khoản đã nhắn tin giới thiệu công việc nhẹ nhàng với mức lương cao ở Campuchia.
Lòng đầy hy vọng, anh D đón xe lên Tây Ninh để vượt biên qua Campuchia để làm việc. Tại đây, anh được một người đàn ông chạy xe máy đến đón. Sang đến Campuchia, anh D được giao việc tìm khách cho sòng bài online. Công ty cung cấp cho anh một chiếc máy tính và nhiều tài khoản Zalo để anh giả làm người chơi lôi kéo, dụ dỗ khách nạp tiền vào chơi bài online. Người chơi nạp bao nhiêu tiền sẽ mất số tiền đó bởi ăn hay thua cũng không được rút.
Trong lúc làm việc, anh D bị giám sát qua camera, nếu có thái độ chống đối hoặc không làm đủ chỉ tiêu mà công ty đưa ra thì anh sẽ bị đánh đập dã man.
“Làm được 10 ngày bị đánh 8 ngày, không thể chịu nổi nên tôi xin nghỉ thì chúng yêu cầu tôi gọi nói gia đình chuyển gần 100 triệu đồng để chuộc tôi về. Trong lúc chờ tiền chuộc, bọn chúng nhốt tôi trong phòng cùng hai người khác. Đêm đó bọn tôi đi trốn, liều mạng chạy đến bờ rào cao khoảng 4 m, có dây điện và cố gắng leo qua. Một người đã bị bắt lại. Khi chạy đến cây cầu biên giới giữa hai nước, tôi không tin mình còn có thể sống” - anh D nói.
Chị ĐTL (32 tuổi, TP Thủ Đức) cho biết chị đã sập bẫy sau khi liên hệ để tìm việc từ thông tin rao tuyển dụng trên mạng. Thông tin đó tìm người để làm cho một thương hiệu cửa hàng tiện lợi lớn với hứa hẹn: “lương 15 triệu đồng/tháng”, “bao ăn, ở cho nhân viên”, “thưởng Tết và đãi ngộ tốt”.
Sau khi chị L liên hệ, một người tự xưng bên bộ phận nhân sự đã yêu cầu chị L đến địa chỉ trên phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức. Tại đây, một người khác tự xưng là cửa hàng trưởng của nơi chị L ứng tuyển ra tiếp, phỏng vấn, yêu cầu nộp 2 triệu đồng phí hồ sơ, đồng phục, giữ chỗ,…
“Nói là văn phòng nhưng rất đơn sơ, không có bảng hiệu. Vì thất nghiệp đã lâu nên tôi nôn nóng đi làm, do đó nộp tiền mà không hề suy nghĩ. Người này hứa hẹn hai tuần nữa đi làm nhưng tôi đợi mãi không thấy thông tin, gọi điện thì khóa máy, đến văn phòng thì đã chuyển đi. Lúc này tôi biết mình bị lừa rồi” - chị L nói.
Không đóng bất kỳ khoản phí nào
Chia sẻ với PLO, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội, cho biết hiện phương thức và thủ đoạn lừa đảo tuyển dụng việc làm trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, mặc dù thủ đoạn lừa đảo là cũ nhưng biến tướng dưới nhiều hình thức mới phức tạp.
Để chủ động phòng tránh bẫy, khi tiếp xúc, sử dụng mạng xã hội, đặc biệt với những thông tin tuyển dụng, bạn cần nâng cao tinh thần cảnh giác.
Theo PSG-TS Nguyễn Đức Lộc, những bài đăng lừa đảo tuyển dụng thường không có thông tin rõ ràng, đăng lặp đi lặp lại trên các hội nhóm mạng xã hội, liên hệ làm việc qua Facebook, Zalo, yêu cầu đặt cọc,... nhằm đánh vào tâm lý người lao động muốn tìm việc nhẹ lương cao, thủ tục dễ dàng, nhanh gọn.
Vì vậy, người dân nên tỉnh táo trước những tin tuyển dụng hấp dẫn, người tuyển dụng không công khai thông tin hoặc thông tin mập mờ, trụ sở công ty không có. Đặc biệt nên cẩn trọng trước những nội dung như làm nhiệm vụ nhận hoa hồng, chuyển tiền không chủ đích, hối thúc chuyển tiền,... để tránh sụp bẫy, dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, khi tìm việc trên mạng, bạn cần tìm hiểu kỹ thông tin công ty, công việc, xem kỹ tài khoản mạng xã hội, thông tin của người đăng tin tuyển dụng. Cảnh giác trước những lời mời chào, giới thiệu có nhiều ưu đãi, thù lao cao... Nên trực tiếp đến nơi công ty tuyển dụng để tìm hiểu, xác minh, tránh rơi vào “bẫy cò”.
Khi muốn tìm việc, nên đến các đơn vị tuyển dụng có trụ sở làm việc đảm bảo tin cậy, trong hệ thống quản lý của cơ quan chức năng trên địa bàn TP.
“Các đơn vị này không yêu cầu lao động đóng phí hay chuyển khoản kinh phí tuyển dụng vì sẽ hỗ trợ hoàn toàn miễn phí” - ông Lộc nhấn mạnh.
Ngoài ra có thể tìm kiếm các nền tảng giới thiệu việc làm online từ những website có chân trang đóng tick dấu xanh hoặc đỏ. Đây là dấu hiệu nhận biết website đã được chứng nhận bởi Bộ Công Thương, do nhà nước quản lý, giám sát.
Công an khuyến cáo bẫy việc nhẹ lương cao
Với chiêu thức lừa đảo “việc nhẹ lương cao” Công an TP.HCM khuyến cáo người dân:
Nên cảnh giác trước những quảng cáo, lời mời chào việc nhẹ lương cao, đặc biệt là các công việc ở nước ngoài hoặc công việc online.
Khi xin việc làm cần tìm hiểu kĩ thông tin về doanh nghiệp tuyển dụng và nội dung công việc.
Nên nộp hồ sơ xin việc và phỏng vấn trực tiếp tại doanh nghiệp hoặc thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm có uy tín.
Nên thường xuyên quan tâm, nhắc nhở, cảnh báo người thân, bạn bè cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm mua bán người và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khi phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an gần nhất để xử lý theo pháp luật.