Bạn đọc hiến kế 'bắt tận tay' kẻ lừa đảo qua mạng

(PLO)- Để giảm bớt các vụ lừa đảo qua mạng, bạn đọc cho rằng nên xử lý mạnh những vụ mua bán tài khoản ngân hàng, mua bán thông tin cá nhân, mua bán SIM rác...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Vừa qua, báo Pháp Luật TP.HCM có đăng tải các bài viết “Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại khủng khiếp, cấp thiết ngăn chặn”; “Lừa đảo qua không gian mạng bủa vây nạn nhân”; “Mất tiền tỉ vì bị thao túng tâm lý” đã nhận được nhiều sự quan tâm từ phía bạn đọc.

Bạn đọc cho rằng những con số thống kê về các vụ việc lừa đảo trong thời gian qua thật sự đáng sợ. Đây cũng là một lời cảnh báo cho tất cả mọi người, đừng vì nhẹ dạ cả tin mà rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. Đồng thời, đây cũng là một hồi chuông báo động cho sự phát triển của chúng ta, bởi hậu quả của những vụ việc lừa đảo đã lên đến con số hàng trăm tỉ.

Lừa đảo qua mạng.jpeg
Nhiều vụ lừa đảo khiến nạn nhân ngậm đắng nuốt cay, cơ quan chức năng không thể can thiệp bởi thông tin của các đối tượng lừa đảo quá ít. Ảnh minh họa

Biết mặt, biết địa chỉ cũng không làm được gì

Một số bạn đọc cho rằng ngày càng có nhiều hình thức lừa đảo mới khiến người dân chưa kịp nắm bắt thông tin đã bị lừa.

“Bản thân không phải là nạn nhân nhưng tôi luôn đặc biệt quan tâm đến những tin tức lừa đảo, bởi không biết một ngày nào đó bản thân mình hay người thân sẽ sập bẫy. Do đó, việc cập nhật các tin tức về chiêu trò, thủ đoạn là điều cần thiết. Sau khi đọc những tin tức này mình sẽ trình bày ngắn gọn để người thân có thể hiểu được. Tuy nhiên, cứ cập nhật chiêu thức lừa đảo nào thì chúng lại cho ra chiêu thức mới” - bạn đọc Huỳnh Mỹ Linh.

“Tôi nhớ rõ vào năm 2023 vừa qua, các cơ quan chức năng liên tục đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo qua mạng, nào là 19 chiêu thức, 20 hay 24 chiêu trò lừa đảo để người dân phòng tránh. Ấy vậy mà vẫn liên tục có nhiều nạn nhân sập bẫy. Chưa kể từ đầu năm 2024 đến nay lại xuất hiện thêm chiêu trò mới, nhiều người chưa kịp cập nhật thông tin đã trở thành nạn nhận” - bạn đọc Nguyễn Văn Thanh.

“Thật sự phải công nhận rằng các đối tượng lừa đảo quá tinh vi, chúng nhắm vào từng nhóm đối tượng mà cho ra các chiêu thức lừa đảo phù hợp. Ví như sinh viên thì chúng đánh vào tâm lý tìm việc làm thêm, người lớn tuổi thì dùng chiêu hăm doạ, dẫn dụ… Nếu không có kiến thức, không nắm thông tin về các vụ lừa đảo thì tỉ lệ bị lừa là 100%, còn nếu đã nắm thông tin thì tỉ lệ bị lừa sẽ thấp nhưng không phải là không bị” - bạn đọc Phạm Quỳnh Anh.

Người bị lừa đảo sẽ phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng mà các đối tượng lừa đảo yêu cầu. Vậy thì chỉ cần công an liên kết với ngân hàng để lần ra dấu vết của chủ tài khoản ngân hàng đó. Không thể nào có chuyện tài khoản bị mất cắp, bởi ai bị mất thì họ sẽ trình báo khóa tài khoản.

Bạn đọc TRÂM ANH

“Có thể các bạn đã nghe nhiều trường hợp bị lừa đảo qua mạng và rất khó để xử lý vì thông tin của các đối tượng này quá ít, bạn còn không biết mặt mũi của họ và địa chỉ thật sự của họ. Vậy bạn có từng biết mặt của đối tượng, biết rõ địa chỉ nhưng vẫn không làm được gì không? Đó là câu chuyện của một người cô của tôi, cô ấy quen đối tượng lừa đảo qua mạng, hình thức mà họ lừa cô là đầu tư tiền ảo. Thời gian đầu họ dẫn dụ cho cô tôi có được tiền lãi, sau đó thì hẹn gặp mặt để thao túng cô tôi đầu tư thêm. Kết quả là cô tôi đã ký giấy sang nhượng căn nhà cho họ chỉ với 2 tỉ đồng trong khi căn nhà có giá trị thật hơn 10 tỉ” - bạn đọc TH.

Lừa đảo qua mạng không còn là câu chuyện của cá nhân

Một số bạn đọc khác cho rằng việc lừa đảo qua không gian mạng này nếu quy mô càng lớn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước ta. Từ đó, phải có những biện pháp hiệu quả để làm giảm hoặc ngăn chặn những vụ việc lừa đảo qua mạng.

“Hết giả mạo công an để hù dọa có biên bản đóng phạt thì nay lại giả mạo công an để kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Như vậy, có phải các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng công cuộc chuyển đổi số mà lừa đảo hay không. Các đối tượng mà chúng nhắm đến không chỉ đơn thuần là người già, người ít kiến thức nữa mà ngay cả những công chức, viên chức cũng bị lừa. Điều này cũng chứng minh rằng các đối tượng lừa đảo thật sự rất tinh vi” - bạn đọc Nguyễn Tiến Luật.

“Chỉ tính riêng năm 2023 đã có 17.400 phản ánh về các trường hợp lừa đảo qua không gian mạng. Trong đó, số tiền người dân bị lừa ghi nhận hơn 300 tỉ đồng. Đây có thể chỉ là tảng băng nổi, là con số mà người dân phản ánh và được cơ quan tổng hợp; còn lại những trường hợp không khai báo thì thế nào? Đây thật sự là một con số đáng kinh ngạc. Trong thời gian tới, khi mà công cuộc chuyển đổi số vẫn đang được thực hiện thì những con số trên có tăng nữa hay không bởi đây có thể sẽ là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lừa đảo. Việc bây giờ là cần phải có một giải pháp hữu hiệu” - bạn đọc Tuấn Khải.

“Các đối tượng lừa đảo không thể chỉ là một cá nhân mà chúng là tổ chức và đầu sỏ là người nước ngoài đang trú ẩn ở các nước khác. Thử hỏi mỗi năm dân ta bị lừa 300 tỉ đồng, vậy 10 năm sẽ là 3.000 tỉ đồng. Số tiền này chắc chắn sẽ đổ về các đầu sỏ ở nước ngoài và xem như nước ta bị thất thoát số tiền này. Câu chuyện lừa đảo qua mạng này không còn là của cá nhân nữa!” - bạn đọc Chú Sáu.

“Chẳng lẽ phải bó tay với các đối tượng lừa đảo này hay sao? Theo tôi cứ mỗi lần người dân bị lừa đảo sẽ phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng mà các đối tượng lừa đảo yêu cầu. Vậy thì chỉ cần điểm mấu chốt đó, công an liên kết với ngân hàng để lần ra dấu vết của chủ tài khoản ngân hàng đó. Không thể nào có chuyện tài khoản bị mất cắp, bởi ai bị mất thì họ sẽ trình báo khóa tài khoản. Còn nếu tài khoản đó được các đối tượng lừa đảo mua lại thì chúng ta nên xử lý người bán, tình trạng bán tài khoản một cách triệt để” - bạn đọc Trâm Anh.

“Bắt được 1 thì xử lý 1, bắt được 10 thì xử lý 10, cứ thật mạnh tay với các đối tượng lừa đảo này để làm gương, làm một bài học cho những kẻ sau” - bạn đọc Trần Trí Danh.

"Quan điểm của tôi là loại bỏ SIM rác và xử lý tình trạng mua bán thông tin cá nhân sẽ làm giảm bớt các vụ lừa đảo" - bạn đọc TST.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm