Lừa đảo qua không gian mạng bủa vây nạn nhân

(PLO)- Các chiêu thức ngày càng biến tướng tinh vi khiến nhiều nạn nhân mất cảnh giác, rơi vào bẫy.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gần đây, lực lượng cơ quan chức năng nói chung và báo Pháp Luật TP.HCM liên tiếp nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc bị lừa qua mạng với số tiền lên đến hàng tỉ đồng.

Đáng nói là sau mỗi lần cơ quan chức năng đăng tải khuyến cáo đến bạn đọc thì thủ đoạn và chiêu thức của các kẻ lừa đảo càng tinh vi hơn. Dưới đây là các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng phổ biến hiện nay mà người dân cần hết sức cảnh giác.

lừa đảo qua mạng
Nhiều nạn nhân bị lừa đảo vì các chiêu thức ngày càng tinh vi. Ảnh: NGUYỆT NHI

Sụp bẫy đầu tư tài chính

Nổi bật trong các chiêu trò lừa đảo phổ biến hiện nay là chiêu lừa đảo đầu tư tài chính, chứng khoán trên mạng.

Ban đầu, các đối tượng thiết lập các sàn giao dịch, trang web, đường link, ứng dụng giả mạo sàn giao dịch quốc tế hoặc có tên giống với một số công ty chứng khoán, quỹ đầu tư có danh tiếng.

Sau đó, mời chào nhà đầu tư tham gia các nhóm tư vấn, trao đổi qua Zalo, Telegram. Khi phát hiện con mồi, các đối tượng và đồng bọn liên tục nhắn tin, gọi điện thoại thuyết phục. Đồng thời cam kết nếu đầu tư thua lỗ thì được bù thiệt hại và nhận giá ưu đãi khi mua các mã cổ phiếu thông qua kênh của quỹ đầu tư giả mạo.

Trong vài phiên giao dịch đầu, đối tượng lừa đảo tạo các giao dịch ảo trên các trang thông tin điện tử và ứng dụng mà chúng cung cấp từ trước khiến tài khoản của “con mồi” liên tục có lợi nhuận cao, gấp nhiều lần so với số tiền ban đầu.

Tuy nhiên, khi nạn nhân muốn rút tiền, các đối tượng sẽ đưa ra các lý do như: Sai nội dung nên hệ thống chưa xử lý, nộp các khoản thuế, phí rút tiền... nhằm lôi kéo, ép buộc nạn nhân chuyển thêm tiền vào tài khoản của chúng.

Khi nạn nhân không còn khả năng chi trả hoặc phát hiện bị lừa đảo, các đối tượng sẽ vô hiệu hóa tài khoản trên ứng dụng, xóa nạn nhân khỏi các hội nhóm trao đổi và chặn liên lạc.

“Trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền phải tìm hiểu địa chỉ, đơn vị đối tượng đang giao dịch... Nếu không có hoạt động hoặc văn phòng ảo thì tuyệt đối không chuyển tiền.”

Giả công an yêu cầu kích hoạt VNeID

Cũng liên quan đến tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, chiêu trò giả mạo công an yêu cầu kích hoạt ứng dụng VNeID cũng trở nên phổ biến.

Cụ thể, các đối tượng lừa đảo giả mạo công an gọi điện thoại yêu cầu người dân cài đặt, kích hoạt ứng dụng VNeID với mục đích chiếm quyền kiểm soát điện thoại, đánh cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng lừa đảo sẽ gọi điện thoại hoặc nhắn tin hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID (ứng dụng giả mạo) để kích hoạt tài khoản định danh điện tử thông qua đường link do đối tượng cung cấp.

Sau khi cài đặt, đối tượng nhanh chóng chiếm quyền kiểm soát điện thoại, đánh cắp thông tin cá nhân liên quan đến tài khoản ngân hàng thông qua việc yêu cầu người dùng cho phép ứng dụng giả mạo truy cập danh bạ, vị trí... Từ đó nhanh chóng thực hiện lệnh chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân đến một tài khoản khác.

Bên cạnh đó, chiêu trò “lừa chồng lừa” cũng nở rộ trở lại. Nhiều đối tượng lập ra các trang fanpage giả mạo cơ quan chức năng, luật sư, chuyên gia an ninh mạng... để cung cấp dịch vụ “lấy lại tiền bị lừa đảo” nhưng thực chất để gài bẫy, dụ dỗ nạn nhân mất tiền thêm lần nữa.

Các đối tượng này dùng tên, hình ảnh của những cá nhân, tổ chức là luật sư, chuyên gia an ninh mạng... để nhận “lấy lại tiền đã mất” cho những nạn nhân bị lừa đảo do chơi chứng khoán, chốt đơn trên các sàn thương mại điện tử...

Trường hợp “cá cắn câu”, đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển một khoản tiền với lý do “phí ủy quyền xử lý”, “phí tư vấn” ... Sau khi nạn nhân chuyển tiền thành công, kẻ lừa đảo lập tức chặn tài khoản và mất liên lạc.

Cẩn trọng khi chuyển tiền qua không gian mạng

Trao đổi với PV, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn và đào tạo an ninh mạng Athena, cho biết người dân trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền phải thật cẩn thận. Người dân cần kiểm tra thông tin của bên nhận tiền, có thể là địa chỉ, website... có thật và rõ ràng hay chưa. Nếu không nắm chính xác về thông tin và lịch sử làm việc của người đang giao dịch thì khả năng mất tiền xảy ra rất cao.

“Để giảm thiểu khả năng bị mất tiền qua không gian mạng, trước khi chuyển tiền hãy yêu cầu người nhận tiền video call (gọi bằng hình ảnh) để xác minh, nhận diện, chụp lại màn hình để làm chứng cứ khi xảy ra sự cố” - ông Thắng nhấn mạnh.

Đồng thời, để bảo vệ quyền lợi của mình, người dân cần thu thập và lưu giữ bằng chứng như hình ảnh CCCD của đối tượng, sao kê chuyển khoản, số điện thoại, ghi âm cuộc gọi hoặc tin nhắn xác nhận đã nhận tiền... Nếu nạn nhân phát hiện bị lừa đảo, cần nhanh chóng làm đơn tố giác, gửi kèm toàn bộ tài liệu, chứng cứ tới cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm để lấy lại tiền đã mất.

Cũng theo ông Thắng, hành vi lừa lấy lại tiền đã mất là hoạt động lừa đảo mà một số đối tượng lập ra nhằm chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng còn yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, từ đó khống chế nạn nhân, tìm cách gài bẫy nạn nhân và lừa số tiền lớn hơn. Vì vậy, trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền phải tìm hiểu địa chỉ, đơn vị đối tượng đang giao dịch... Nếu không có hoạt động hoặc văn phòng ảo thì tuyệt đối không chuyển tiền.•

Nan-nhan-mat-tien_14-5.jpg
Các nạn nhân kể lại việc bị lừa đảo. Ảnh: TH

Mất tiền tỉ vì bị thao túng tâm lý

Là một trong những nạn nhân của chiêu trò lừa đảo qua mạng, chị NTĐ (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết các đối tượng lừa đảo rất tinh vi, chúng dùng nhiều chiêu trò khác nhau nhằm thao túng tâm lý của nạn nhân, từng bước đưa nạn nhân vào bẫy. Đa số đối tượng lừa đảo ban đầu sẽ dùng những lời ngon ngọt để dẫn dụ nạn nhân, chúng thậm chí sẵn sàng bỏ ra một số tiền câu nhử để chiếm được lòng tin của nạn nhân.

“Như trường hợp của tôi, do tâm lý muốn làm việc tại nhà nên chúng đã giăng bẫy cho tôi một công việc cộng tác viên. Sau đó trả thù lao vài lần đầu, rồi lấy đủ lý do nào là nạp tiền làm nhiệm vụ, nạp tiền phí… để chiếm đoạt gần 200 triệu đồng của tôi. Chiêu lừa này trước đây rất phổ biến, đã vô số nạn nhân bị lừa” - chị Đ nói.

Tương tự, chị NTTT (ngụ TP Huế, Thừa Thiên-Huế) chia sẻ các đối tượng giả mạo là công ty du lịch, đại lý vé máy bay để bán các tour du lịch, vé máy bay giá rẻ nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đặt cọc, sau đó chiếm đoạt số tiền này.

“Bản thân là một đại lý vé máy bay, tôi thừa biết những chiêu trò lừa đảo liên quan. Vậy mà tôi vẫn bị lừa vì chiêu trò quá tinh vi. Các đối tượng này tạo ra một trang fanpage của một hãng hàng không giống y như thật khiến tôi lầm tưởng đây là trang chính thống. Tôi đã ứng tuyển để làm cộng tác viên bán vé máy bay, sau đó họ yêu cầu tôi phải làm thử thách để trở thành cộng tác viên, thử thách là chuyển tiền để đặt vé. Sau khi hoàn thành hai thử thách mà không được hoàn tiền, tôi mới nhận ra đây là một chiêu trò lừa đảo” - chị T kể.

Một nạn nhân khác cũng bị lừa đảo qua không gian mạng với số tiền gần 4 tỉ đồng, chị VN (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết chị bị lừa bởi chiêu thức nhận thông báo trúng thưởng. Các đối tượng lừa đảo tiếp cận chị qua mạng Zalo để thông báo mua hàng và trúng thưởng. Ban đầu họ gửi tặng chị một nồi cơm điện, sau đó chị tin tưởng và tham gia vào nhóm của họ qua Telegram để thực hiện nhiệm vụ nhận thưởng.

“Họ nói rằng các giải thưởng sẽ có giá trị lớn hơn và nhiệm vụ mà tôi thực hiện là chuyển khoản để nhận tiền lãi. Cứ theo vòng lặp họ tạo ra, tôi đã chuyển gần 4 tỉ đồng. Tôi cũng đã trình báo sự việc đến cơ quan công an nhưng tôi nghĩ sẽ rất khó lấy lại tiền vì thông tin của các đối tượng quá ít. Tôi chia sẻ câu chuyện của mình với hy vọng mọi người phải thật cảnh giác, đừng nhẹ dạ cả tin để rồi rơi vào bẫy” - chị N nói.

HUỲNH THƠ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm