Công an khuyến cáo lừa đảo trên không gian mạng dịp cuối năm

(PLO)- Công an quận 1 (TP.HCM) khuyến cáo người dân cẩn trọng lừa đảo trên không gian mạng vào dịp cuối năm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, Công an quận 1 nhận được đơn trình báo của nạn nhân tên là Phạm Thị T (ngụ Bình Dương) bị chiếm đoạt tài sản với số tiền 115 triệu đồng qua đường link mà đối tượng cung cấp để khai báo thông tin.

IMG_3743.jpeg
Cảnh báo lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: Công an quận 1

Theo đó, ngày 15-12-2023, chị T đang làm việc tại công ty thì được chị Nguyễn Thị Q (làm cùng công ty) nhờ hỗ trợ cập nhật VNeID theo chỉ dẫn từ người xưng là cán bộ Công an Phường 4 (quận 8) gọi từ số điện thoại 0834.802.256 vì thông tin của chị Q trên dữ liệu công dân bị sai.

Chị Q đã mượn điện thoại của chị T để thực hiện thao tác theo hướng dẫn của đối tượng. Chị T tải về, đăng nhập và khai báo thông tin vào đường link mà đối tượng cung cấp là dichvucong.r.org.com thì điện thoại bị trục trặc.

Nghi ngờ bị lừa, chị T gọi đến Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) để khóa 2 tài khoản của mình thì cả hai tài khoản đều bị rút hết số tiền 115 triệu đồng và được chuyển vào tài khoản số 8841144150 – Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – chủ tài khoản DANG ANH KHOA.

Thông qua tài liệu và nội dung đơn trình báo, vụ việc có dấu hiệu của “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 290 BLHS năm 2015. Hiện Công an Quận 1 hiện đang giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Qua nội dung vụ việc trên, công an quận khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, an toàn. Chủ động bảo vệ tài sản của chính mình trước các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội (zalo, facebook, tiktok,…); các cuộc gọi điện thoại mạo danh như sau:

Lừa đảo bằng hình thức câu nhử

Đối tượng thường sử dụng mạng xã hội để đánh cắp thông tin người sử dụng dịch vụ bằng cách giả là cơ quan/ doanh nghiệp có uy tín, dụ dỗ nạn nhân truy cập đường link được gửi qua email, các ứng dụng mạng xã hội hoặc tin nhắn SMS.

Khi nạn nhân nhấn mở đường link được gửi kèm, ngay lập tức phần mềm chứa mã độc sẽ được tự động cài đặt trên thiết bị đang sử dụng, từ đây tất cả các thông tin có chứa trong thiết bị của nạn nhân sẽ tự động chuyển đến thiết bị của bọn tội phạm.

Giả danh nhân viên ngân hàng, công an hoặc nhân viên thực thi pháp luật

Đối tượng sử dụng ngôn ngữ đe doạ để làm nạn nhân tin tưởng hành động theo lời chúng cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP giao dịch chuyển tiền,... nhằm chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo đầu tư tiền điện tử

Đối tượng đóng giả là người giao dịch tiền điện tử rất thành công, lôi kéo nạn nhân thực hiện các khoản đầu tư thông qua các trang web/ứng dụng giả mạo và cho nạn nhân thấy tiền của họ đang phát triển theo cấp số nhân.

Khi nạn nhân đã đầu tư và muốn rút tiền, đối tượng thông báo cần trả phí để thực hiện giao dịch rút hoặc không thể rút tiền do trang web lừa đảo bị đóng, hoặc đối tượng lừa đảo ngừng liên lạc với nạn nhân.

Lừa đảo khai thác thanh khoản

Các đối tượng lừa đảo xây dựng mối quan hệ đầu tư, làm ăn hoặc cá nhân với nạn nhân chưa sở hữu tiền điện tử (thường qua in nhận trực tiếp), lôi kéo họ tham gia khai thác thanh khoản bằng cách đảm bảo lợi tức đầu tư từ 1% - 3%/ngày.

Sau đó, thuyết phục nạn nhân liên kết ví tiền điện tử của họ với một ứng dụng khai thác thanh khoản lừa đảo và tìm cách lấy hết tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Giả mạo các trang thông tin điện tử cơ quan, doanh nghiệp

Giả mạo bảo hiểm xã hội, ngân hàng... để trộm cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu cá nhân của người đăng nhập nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo qua các loại hình hoạt động đầu online

Thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, quyền chọn nhị phân, giao dịch tiền ảo, dự án bất động sản... hoặc hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép qua mạng để quảng cáo, lôi kéo số lượng lớn người tham gia đầu tư, kinh doanh với cam kết lợi nhuận lớn, tiền đầu tư ít.

Lừa đảo tuyển dụng việc làm tại nhà thông qua mạng xã hội

Đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (zalo, facebook, youtube, tiktok,...) nhận việc làm tại nhà, không mất thời gian di chuyển, bỏ tiền tạm ứng hoặc thanh toán trước đơn hàng khoảng vài trăm nghìn để đặt hàng, sau đó nhận tiền công kèm theo lãi đơn hàng và tiền thưởng.

Công an quận 1 khuyến cáo biện pháp phòng ngừa

Không cung cấp thông tin cá nhân với người lạ qua điện thoại khi chưa xác thực được nội dung.

Không đăng nhập vào các đường link được gửi.

Nghiên cứu rõ các hoạt động đầu tư tài chính, làm việc tại nhà trước khi tham gia.

Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo, người bị hại cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

Chia sẻ, cảnh báo cho người thân biết để chủ động, phòng ngừa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm