Điều đáng nói là tuy tuổi còn nhỏ nhưng qua thăm khám, làm siêu âm hệ niệu và X-quang, các bác sĩ phát hiện bé L. bị rất nhiều sỏi ở cả hai thận. Những viên sỏi này có kích thước nhỏ 3-4 mm, một viên sỏi bàng quang kích thước 10 mm. Các bác sĩ đã quyết định dùng phương pháp nội soi bàng quang tán sỏi cho bệnh nhi.
Trước đó, bé L. nhập viện trong tình trạng bị bí tiểu cấp. Gia đình cũng cho hay bé từng có dấu hiệu rối loạn tiểu từ lâu như hay tiểu buốt, tiểu gắt. Mặc dù có đưa bé đi khám nhiều nơi, được chẩn đoán viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu nhưng điều trị không hiệu quả.
Theo các bác sĩ, sỏi bàng quang và sỏi tiết niệu ở trẻ em như bé L. là khá hiếm gặp. Có nhiều nguy cơ làm xuất hiện sỏi như trẻ ăn nhiều thức ăn nhanh, ăn thức ăn có quá nhiều muối, chất điều vị, uống ít nước lọc, uống nhiều nước ngọt trong khi ít vận động. Đặc biệt, sỏi sẽ hình thành nhanh ở những trẻ có sẵn bệnh lý rối loạn chuyển hóa. Ngoài ra, trẻ thường bị nhiễm trùng đường tiểu, hẹp đường tiết niệu… cũng là điều kiện thuận lợi để tạo sỏi.