Bé gái 8 tuổi bị bạo hành, tử vong: Trách nhiệm pháp lý thuộc về ai?

“Mẹ kế” Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi bạo hành bé gái tám tuổi dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên, quanh sự việc này vẫn cần nhắc đến trách nhiệm của người cha và những người hàng xóm đã chứng kiến bạo hành mà không có hành động để chấm dứt hành vi, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, đồng thời giúp trẻ được sống trong môi trường lành mạnh với những tình yêu thương.

Khởi tố “mẹ kế” tội hành hạ người khác

Ngày 28-12, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã khởi tố Trang tội hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS năm 2015; sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trang và ông Nguyễn Kim Trung Thái - cha bé A chung sống tại chung cư Saigon Pearl (phường 22, quận Bình Thạnh). Ông Thái cho biết đã giao con cho Trang chăm sóc và dạy học (do ông Thái và mẹ bé A đã ly hôn, bé ở cùng cha).

Bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang. Ảnh: CA

Tại cơ quan điều tra (CQĐT), Trang khai rằng chiều 22-12, Trang ở nhà dạy bé học. Do bực tức việc bé A chậm hiểu nên Trang lớn tiếng la mắng, dùng cây gỗ đánh và dùng chân đá. Trước đó, Trang cũng nhiều lần la mắng và đánh bé bằng roi mây trong lúc dạy học.

Khoảng 18 giờ cùng ngày, bé A mệt nên vào phòng nghỉ, bị nôn ói. Trang phát hiện nên gọi cha bé về, sau đó đưa bé đi cấp cứu.

Lúc này bé đã mất nhận thức, ngưng tim, ngưng thở, chết trước khi nhập viện. Kiểm tra tử thi, bác sĩ phát hiện nhiều vết bầm tím lớn, có vết thương được khâu vá, mờ cũ trên vùng mặt. Nhận thấy bất thường, bệnh viện đã trình báo.

Kết quả sơ bộ khi giải phẫu, khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng xác định bé chết do phù phổi cấp; cơ thể bầm tụ máu, gãy nhiều xương sườn; khu vực phần đầu cũng có vết thương, tụ máu, não phù.

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND phường 22, phường chưa từng nhận được phản ánh nào về việc nghi ngờ có bạo hành tại căn hộ nơi bé A sinh sống.

Trách nhiệm tố cáo của người biết sự việc

Theo Điều 60 Nghị định 167/2013, người biết hành vi bạo lực gia đình, có điều kiện ngăn chặn mà không ngăn chặn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hoặc biết hành vi bạo lực gia đình mà không báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Do đó, những ai biết việc bé bị đánh đập mà không trình báo thì có thể bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, việc xem xét trách nhiệm còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Trên hết vẫn là nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng, bảo vệ kịp thời tính mạng, sức khỏe, danh dự cho trẻ em, tránh những hậu quả đau lòng.

TS - luật sư LƯƠNG KHẢI ÂN, Đoàn luật sư TP.HCM 

Làm rõ hành vi để xử lý đúng tội

Trao đổi cùng Pháp Luật TP.HCM, ThS Trần Thanh Thảo, giảng viên Khoa luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, phân tích: Để xem xét chính xác tội danh, CQĐT cần xác định nguyên nhân cháu bé chết có phải xuất phát trực tiếp từ hành vi đánh đập của bị can hay không.

Nếu việc Trang đánh đập bé không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết thì có thể xem xét xử lý Trang về tội hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS. Cụ thể, hành vi đánh đập bé diễn ra thường xuyên, liên tục thì xử lý Trang theo điểm a khoản 2 Điều 140 BLHS với tình tiết hành hạ người dưới 16 tuổi.

Quá trình điều tra, căn cứ kết quả điều tra, CQĐT có thể đổi tội danh. Cụ thể, nếu xác định Trang đánh trực tiếp vào những vị trí hiểm yếu trên cơ thể bé như đầu, ngực, cổ… và hành vi này được xác định là nguyên nhân dẫn đến cái chết của bé thì CQĐT có thể xử lý Trang về tội giết người với các tình tiết định khung tăng nặng tại điểm b khoản 1 Điều 123 BLHS.

Ngoài ra, nếu Trang đánh đập bé nhưng không đánh vào những vị trí hiểm yếu trên cơ thể, tức không có khả năng trực tiếp dẫn đến chết người thì có thể xử lý Trang tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS với tình tiết định khung tăng nặng là dẫn đến chết người.

Về trách nhiệm của cha bé A, có thể ông này không trực tiếp đánh nhưng nếu ông biết Trang đánh đập con mình, ông không ngăn cản mà còn xúi giục, giúp sức thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự ông này với vai trò đồng phạm.

Nếu ông không trực tiếp đánh đập, cũng không xúi giục, giúp sức thì không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, với trách nhiệm của người cha, lại ở chung một nhà, ông này không thể nói là không biết. Mà nếu đã biết thì ông phải tìm mọi cách để ngăn chặn hành vi vừa xâm phạm nghiêm trọng quyền trẻ em vừa hết sức tàn nhẫn đối với đứa con của mình.

Cần làm rõ hành vi của người cha

luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết gia đình bé A đã liên hệ với hội để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bé. 

luật sư Nữ cho rằng tội hành hạ người khác chỉ phù hợp nếu Trang có hành vi đối xử tàn ác với bé, chẳng hạn nhốt vô nhà vệ sinh cho ngửi mùi hôi làm ngạt chết, bỏ đói dẫn tới chết vì đói…

“Còn trường hợp này, theo tôi phải khởi tố tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người. Thực tế, bé A đã có những vết sẹo trên thái dương may nhiều mũi đã lành, những vết thương trên vai đã làm mủ. Những vết thương này không thể nào mới đánh mà thành, mà là những vết đã lâu mà không được điều trị. Những vết thương cho thấy bị can đã dùng vật tày, hung khí nguy hiểm tác động vào bé, khiến bé phải chịu đau đớn; bé chết vì phù phổi. Vì vậy, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng làm rõ để xử lý đúng tội danh” - luật sư Nữ nêu.

Đồng thời, luật sư Nữ cũng kiến nghị xem xét xử lý người cha vì những hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em và có thể nhằm che giấu hành vi phạm tội của Trang.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm