Bế tắc về việc nâng trần nợ công của Mỹ được cho sẽ là đề tài phủ bóng Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7). Vấn đề này làm gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế của Mỹ và ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương đang tìm cách giữ nền kinh tế của mình ổn định, theo hãng tin Reuters.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương được tổ chức tại tại |
Ngày 10-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gây áp lực lên các nhà lập pháp đảng Cộng hòa để nhanh chóng tăng mức trần nợ công từ 31,4 nghìn tỉ USD hiện tại lên con số cao hơn. Ông cảnh báo nếu không làm vậy, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể rơi vào suy thoái.
Cuộc khủng hoảng trần nợ của Mỹ cũng đang làm đau đầu Nhật, nước chủ tịch G7 năm nay và là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Ngày 9-5, ông Masato Kanda - nhà ngoại giao tài chính hàng đầu của Nhật - nhận định các nhà lãnh đạo tài chính G7 có thể thảo luận về vấn đề trần nợ công của Mỹ nhưng có khả năng sẽ không đề cập rõ ràng trong tuyên bố chung của cuộc họp.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen có thể phải đối mặt với các câu hỏi từ những người đồng cấp G7 của bà về cách Washington dự định ngăn chặn tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính, sau sự sụp đổ của một số ngân hàng Mỹ trong thời gian gần đây.
Ngoài vấn đề trần nợ công của Mỹ, rủi ro kinh tế toàn cầu như lạm phát cao và hậu quả từ việc tăng lãi suất mạnh mẽ của Mỹ và châu Âu có thể sẽ là những chủ đề tranh luận chính trong cuộc họp lần này.
Bên cạnh đó, các chủ đề khác dự kiến được thảo luận tại cuộc họp tài chính G7 lần này bao gồm các cách để củng cố hệ thống tài chính toàn cầu và các bước để ngăn chặn Nga lách lệnh trừng phạt.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G7 được tổ chức tại tại thành phố Niigata (Nhật), từ ngày 11 đến ngày 13-5.