Nợ công: Nỗi ám ảnh của Mỹ đe dọa toàn cầu

(PLO)- Tình trạng nợ công của Mỹ đang ở mức báo động khi sắp chạm trần nợ và khả năng sẽ vỡ nợ vào đầu tháng tới nếu lưỡng đảng không tìm được tiếng nói chung.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trên bức tường ở Manhattan, nằm gần Quảng trường Thời đại (bang New York), đồng hồ nợ công Mỹ đã tăng từ 3.000 tỉ USD kể từ khi được thành lập năm 1989 lên tới 31.000 tỉ USD như hiện nay. Theo tờ The Economist, sau nhiều năm nhảy số liên tục nhưng không gây suy thoái rõ ràng, cộng với việc bị di dời từ khu phố đông đúc sang góc nhỏ ít người qua lại, chiếc đồng hồ dần chìm vào quên lãng.

Tuy nhiên, sự leo thang liên tục của nợ công lại trở thành mối bận tâm lớn của nước này. Con số hiển thị trên chiếc đồng hồ cho thấy sự nhảy vọt của nợ công Mỹ không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cho nền kinh tế nước này mà còn có thể khiến thế giới gặp rủi ro.

Nguy cơ vỡ nợ

Ngày 1-5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Mỹ có khả năng vỡ nợ vào đầu tháng 6 nếu Quốc hội (QH) không giải quyết các vấn đề liên quan đến mức trần nợ công trong thời điểm này, theo hãng tin AFP. Trong báo cáo tài chính gửi QH, bà Yellen lưu ý: Sau khi xem xét các biên lai thuế liên bang gần đây, Bộ Tài chính ước tính Mỹ không thể tiếp tục đáp ứng tất cả nghĩa vụ thanh toán nợ chính phủ vào đầu tháng 6, do tổng thu liên bang thấp hơn nhiều so với tổng chi.

Ông Christopher Phelps, giáo sư lịch sử chính trị và bầu cử Mỹ tại ĐH Nottingham (Anh), cho rằng “cuộc chiến lưỡng đảng” là do phía Dân chủ tin rằng việc tăng trần nợ “nên là lẽ đương nhiên”, trong khi phe Cộng hòa muốn sử dụng việc này để “buộc chính phủ cắt giảm chi tiêu vì họ cho rằng đây là cách duy nhất”.

Đến khi đó, theo tờ The Economist, Mỹ sẽ phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ quốc gia hoặc cắt giảm mạnh chi tiêu nhà nước và kết quả nào nêu trên cũng sẽ tàn phá thị trường toàn cầu, hay sẽ gây ra tình trạng “khủng hoảng tài chính toàn cầu” theo như cách gọi của bà Yellen. Theo đó, việc vỡ nợ sẽ làm xói mòn niềm tin vào hệ thống tài chính quan trọng nhất thế giới, trong khi đó phương pháp cắt giảm ngân sách lớn có thể gây ra một cuộc suy thoái sâu sắc. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hôm 3-5 cũng đã cảnh báo mọi người không nên nghĩ rằng Fed có thể bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi các tác động trong ngắn hạn và dài hạn từ việc vỡ nợ, theo hãng tin Reuters.

Ngay cả khi QH cố gắng xoay xở để tăng trần nợ trước khi bất cứ điều gì nghiêm trọng xảy ra thì động thái này cũng là một dấu hiệu cảnh báo về sự suy giảm sức khỏe tài chính của Mỹ và khả năng phục hồi nó cũng là chuyện nan giải. Trần nợ công là mức tối đa số tiền mà QH cho phép chính phủ Mỹ vay để đáp ứng các nhu cầu cơ bản, từ trả bảo hiểm y tế đến lương cho quân đội. Trần nợ của Mỹ hiện ở mức 34.000 tỉ USD (tương đương 117% GDP nước này).

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Cần “giải pháp chính trị”

Theo tờ The Economist, trần nợ là một sáng tạo chính trị không có bất kỳ ý nghĩa kinh tế cơ bản nào và cũng không một quốc gia nào tự trói mình một cách thô bạo như vậy. Đương nhiên, vì là một “sáng tạo chính trị” nên ắt hẳn cần phải có “giải pháp chính trị”. Trong bối cảnh như vậy, các nhà đầu tư đang bắt đầu trở nên lo lắng khi không chắc chắn liệu đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có thể làm việc cùng nhau để giải quyết tình trạng này hay không.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã đề xuất nâng mức trần nợ công vào năm 2024, đồng thời cắt giảm hàng ngàn tỉ USD chi tiêu trong thập niên tới và cắt bỏ các kế hoạch chống biến đổi khí hậu. Theo đó, ông McCarthy cho biết dự luật “tránh vỡ nợ và khắc phục tình trạng chi tiêu thiếu thận trọng” của Mỹ.

Theo tờ Newsweek, mặc dù các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện (do đảng Cộng hòa kiểm soát) đã thông qua dự luật nâng trần nợ nhưng dự luật này có khả năng sẽ gây khó chịu tại Thượng viện (do đảng Dân chủ kiểm soát) vì dự luật yêu cầu cắt giảm chi tiêu trong các lĩnh vực vốn là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden.

Dù vậy, giới quan sát cho rằng các chính trị gia Mỹ bằng cách nào đó sẽ tìm ra cách vượt qua bế tắc, như họ đã từng làm trong quá khứ. Trước đó, Tổng thống Biden đã thúc đẩy một dự luật tăng trần nợ mà không buộc chính phủ phải cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, ngay sau bức thư cảnh báo của bà Yellen, ông đã mời các nhà lãnh đạo QH gặp ông vào ngày 9-5 và gợi ý hai bên có thể đàm phán thúc đẩy một dự luật trần nợ vẹn đôi đường.

Theo tờ Newsweek, khi đối mặt với viễn cảnh sụp đổ tài chính, một trong hai bên buộc sẽ phải nhượng bộ. Theo một số chuyên gia, Tổng thống Biden có thể sẽ là bên nhượng bộ vì ông ấy không thể để Mỹ vỡ nợ, nhất là trong bối cảnh đang vận động tái tranh cử cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Trong trường hợp khả năng trên trở thành hiện thực, chiếc đồng hồ nợ công ở Manhattan sẽ không còn báo động nữa. Tuy nhiên, có một điều không thể thay đổi là nền tài chính Mỹ đang ngày càng bấp bênh. Lúc bấy giờ, thước đo cốt lõi để đo tính dễ bị tổn thương không còn là mức nợ công của Mỹ mà là tình trạng thâm hụt ngân sách đang phình to của nước này.

Trong nửa thế kỷ qua, thâm hụt liên bang ở Mỹ trung bình khoảng 3,5% GDP/năm. Nhiều chính trị gia coi đó là minh chứng của sự tiêu xài hoang phí ở Mỹ. Trong bản cập nhật mới nhất công bố hồi tháng 2, Văn phòng Ngân sách QH (CBO) dự báo rằng thâm hụt của Mỹ sẽ ở mức trung bình 6,1% trong thập niên tới.•

Chia rẽ Mỹ liên quan đến trần nợ công

Một cuộc thăm dò do Redfield & Wilton Strategies (công ty tư vấn chiến lược toàn cầu tại Anh) thực hiện trên 1.500 người trưởng thành ở Mỹ cho thấy một nửa trong số họ nghĩ rằng chính phủ đang chi tiêu quá nhiều, trong khi số còn lại muốn thấy trần nợ được nâng lên nhưng kèm theo các cam kết cắt giảm chi tiêu, tờ Newsweek đưa tin.

Theo cuộc thăm dò của tờ Newsweek tiến hành vào ngày 30-4, khoảng 50% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy chính phủ đang chi tiêu quá nhiều (69% trong số này là những người đã bỏ phiếu cho ông Donald Trump hồi năm 2020), 25% cho rằng chính phủ đang chi tiêu đúng mức, trong khi 10% cho rằng chính phủ chi tiêu chưa đủ.

Kết quả từ một cuộc khảo sát khác của tờ Newsweek về dự luật nâng trần nợ của đảng Cộng hòa cho thấy có 44% người được hỏi ủng hộ và 19% phản đối. Đáng chú ý, có tới 36% người đã từng bỏ phiếu cho ông Biden hồi năm 2020 thuộc nhóm ủng hộ dự luật trên.

Ông Thomas Gift, Giám đốc trung tâm về chính trị Mỹ tại ĐH College London - UCL (Anh), nhận xét rằng cuộc tranh luận trần nợ “phân chia rất rõ ràng theo ý thức hệ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm