Bé trai 120 kg xuất viện: Món quà Giáng sinh đặc biệt nhất

Sáng 24-12, các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) quyến luyến chia tay cậu bé Lê Minh Phong (15 tuổi) sau thời gian gần hai tháng điều trị COVID-19 ròng rã tại BV.

Trước khi ra về, cậu bé tặng các y bác sĩ những chú lân nhỏ ngộ nghĩnh làm quà lưu niệm và hẹn ngày sẽ vào lại BV cùng đội múa lân của anh trai biểu diễn lân sư rồng cho BV xem.

Phong cùng mẹ được BS Tiến tặng máy đo SpO2 và dặn dò
trước khi xuất viện. Ảnh: NGUYỆT NHI

Phong là một trong những bệnh nhi mắc COVID-19 rất nặng do có thể trạng dư cân (bé nặng 120 kg) và tưởng chừng đã không qua khỏi. Hoàn cảnh cậu bé Phong gây xót xa khi cha mất sớm, để lại mẹ với bốn người con. Mẹ em ở nhà làm đèn cầy cúng bán cho một ngôi chùa nhỏ những ngày rằm. Học xong tiểu học, em đã nghỉ học để phụ mẹ bươn chải. Cảm động vì lòng hiếu thảo của em, chủ xưởng sắt đã nhận em vào làm. Ngoài ra, vào những dịp lễ hội, em thường theo anh trai tham gia đội múa lân.

TS-BS Trương Quang Định, Giám đốc BV, nhớ lại những ngày đầu nhập viện, BV đã nhận thấy tiềm tàng nguy cơ chuyển nặng của Phong. Điều lo ngại thành sự thật khi chỉ sau vài ngày, Phong lâm vào tình trạng nguy kịch, phải áp dụng các biện pháp hồi sức nâng cao đặc biệt. Phong được xuất viện là món quà đặc biệt nhất mà các y bác sĩ BV nhận được trong mùa Giáng sinh này. “Bé bình an xuất viện là một kỳ công mà thật sự êkíp chúng tôi không ngờ tới, cứ tưởng như một giấc mơ” - BS Định xúc động nói.    

Nỗ lực giành giật sự sống cho bệnh nhi, BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố, đánh giá tình trạng của bé Phong không khác gì viên phi công người Anh. Cơ hội sống của Phong rất mong manh khi 90% phổi bị tổn thương nặng, virus nằm trong mô mỡ bé liên tục gây phóng thích cytokine gây ra cơn bão cytokine (hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức, giải phóng ồ ạt cytokine gây viêm tổn hại đa cơ quan). Ngoài phải chạy ECMO 26 ngày, bé còn phải trải qua bốn lần lọc máu liên tục. Không những thế, bé còn bị nhiễm trùng, nhiễm nấm huyết, phải dùng kháng sinh phổ rộng mạnh. Thời gian nằm viện lâu, bé cũng xuất hiện vết loét ở vùng cụt. Do thể trạng dư cân, mỗi lần xoay trở, vệ sinh cho bé cũng gặp nhiều khó khăn, cần phải có 3-4 người.

Đặc biệt, êkíp điều trị còn khá hồi hộp khi chuyển bé từ Khoa nhiễm về Khoa hồi sức tích cực trong khi còn đang chạy ECMO để điều trị tiếp. Theo BS Tiến, nếu chẳng may quá trình di chuyển, dây máy móc bị bung ra cũng dễ khiến công sức đổ sông đổ biển. Do đó, kế hoạch chuyển khoa đã được soạn thảo dài đến ba trang. Ngày chuyển khoa, BV đã bố trí êkíp 20 y bác sĩ để đảm bảo chuyển máy móc cùng bệnh nhi, tổng trọng lượng 500 kg về Khoa hồi sức tích cực an toàn.

 

Chi phí điều trị hơn 1,1 tỉ đồng

Theo BV, tổng chi phí điều trị của bệnh nhi lên đến hơn 1,1 tỉ đồng nhưng chủ yếu đã được nguồn ngân sách, BHYT chi trả cùng sự hỗ trợ của các mạnh thường quân đã giúp gia đình vơi bớt gánh nặng.

Ca bệnh hồi phục không chỉ là sự nỗ lực từ phía BV mà còn đến từ sự chiến đấu kiên cường của bệnh nhi. BS CKII Lê Vũ Phượng Thy - Trưởng Khoa hồi sức tích cực chống độc BV Nhi đồng Thành phố, chia sẻ rằng Phong rất hiểu chuyện, chịu khó phối hợp nhấc tay, nghiêng người khi tỉnh lại. “Có những giai đoạn thử thách đối với con là lúc tập thở và chuẩn bị rút ống nội khí quản. Tôi nhớ mãi cái nắm tay của con, con rất sợ nhưng con đã làm được” - BS Thy nhớ lại.

Ánh mắt liên tục đỏ hoe vì xúc động, chị Trần Lệ Liên, mẹ bé Phong, chia sẻ những ngày bé nằm viện, chị cũng suy sụp, đêm ngày cầu nguyện cho con. Khi Phong điều trị được hơn một tháng, chị còn nén lòng chuẩn bị tâm lý để đón con về lo hậu sự. “Thấy con điều trị lâu quá, tôi gọi vào cho BS Tiến hỏi có cứu được con không để chọn ngày đem bé về” - chị Liên kể và biết ơn sự tận tình của các y bác sĩ đã giúp đưa con chị bình an về nhà.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm