Bé trai 8 tuổi bỏng cấp độ 3 do laptop phát nổ

(PLO)- Bệnh nhi 8 tuổi bị bỏng 10% diện tích cơ thể, bỏng nghiêm trọng vùng mặt, ngực và hai bàn tay do laptop phát nổ khi đang sử dụng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-3, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết vừa tiếp nhận một bệnh nhân 8 tuổi (Lục Ngạn, Bắc Giang), nhập viện trong tình trạng bị bỏng nghiêm trọng do laptop phát nổ.

Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định trẻ bị bỏng độ 3 vùng mặt, ngực và hai bàn tay, vết bỏng có dấu hiệu nhiễm trùng.

Bệnh nhi được hồi sức, các bác sĩ tiến hành truyền dịch, tiêm kháng sinh, dùng thuốc giảm đau và theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn của trẻ.

laptop phát nổ khiến bé 8 tuổi bị bỏng
Laptop phát nổ khiến một bé 8 tuổi bị bỏng nặng. (Hình minh họa)

Sau khi kiểm tra thấy vùng bỏng ở ngực và tay trái sưng nề nhiều, tiết dịch thấm băng, môi trẻ sưng nề nhiều hơn, ăn uống kém, tiên lượng tình trạng có thể diễn biến nặng hơn nên bệnh viện quyết định chuyển trẻ lên tuyến trung ương để điều trị.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - người trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhi, đây là trường hợp bị bỏng nặng nhất trong số 20 bệnh nhi bị bỏng mà khoa Ngoại tiếp nhận điều trị từ đầu năm 2024 đến nay. Vết bỏng ở trẻ liên quan tới vùng mặt, ảnh hưởng thẩm mỹ và các chức năng.

Ước tính mỗi năm, khoa Ngoại (Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang) tiếp nhận điều trị hàng trăm trẻ bị bỏng do các nguyên nhân như điện thoại, laptop phát nổ; bỏng do điện, hoá chất, lửa, nước sôi, nổ bóng bay bơm khí hydro…

Đa số trẻ bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn trong quá trình chăm sóc trẻ. Nhiều trường hợp bị bỏng tới 20% diện tích cơ thể, vết bỏng sâu làm biến dạng các chi như co quắp tay, chân, thậm chí làm hoại tử xương.

Các bác sĩ khuyến cáo, hiện nay nhiều gia đình cho trẻ tiếp xúc với những thiết bị điện tử từ rất sớm nhưng không lường trước được nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra, do vậy khi cho trẻ dùng điện thoại hay laptop cần có sự giám sát của người lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm