Ngày 14-3, BV Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết BV vừa nội soi gắp ra dị vật là một hột xí muội trong phế quản trái bệnh nhi.
Theo đó, bệnh nhi là bé trai PAT (14 tuổi, ngụ tại Đắk Lắk). Trong lúc đùa giỡn với bạn, T. có ngậm hạt xí muội, không may hạt xí muội bị lọt vào đường thở. T. được gia đình đưa vào BV Tai Mũi Họng ngay trong đêm với tình trạng một bên phổi xẹp gần hết.
Tại đây, các BS cho biết rất may là hạt xí muội lọt xuống được phế quản trái, nếu hạt bị mắc kẹt lại ở nơi phân chia phế quản (carina), rất có thể bệnh nhi sẽ tử vong. Bệnh nhi T. sau đó đã được nội soi gắp ra hạt xí muội đường kính 20 mm ra khỏi đường thở và chuyển sang BV Nhi đồng 1 để tiếp tục điều trị.
Theo BS Trần Anh Tuấn, khoa Hô hấp-BV Nhi đồng 1 TP.HCM, dị vật đường thở có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào. Nhưng nguy hiểm và gặp nhiều nhất ở trẻ 1-3 tuổi vì đây là lứa tuổi bắt đầu tiếp xúc với môi trường xung quanh nên trẻ hay tò mò, khám phá. "Để phòng ngừa, cha mẹ tuyệt đối không được cho con chơi các đồ vật nhỏ như viên bi, hạt đậu, hạt vòng, hạt bắp, hạt dưa... Khi cha mẹ không để ý, trẻ rất dễ nhét những thứ này vào miệng, vào mũi gây hóc, nghẹt đường thở" - BS Tuấn khuyến cáo.
Vị trí hạt xí muội trong phế quản trái của bệnh nhi
Cũng theo BS Tuấn, gần đây báo chí đã đưa tin nhiều trường hợp tử vong do trẻ hóc các loại hạt, rau câu, sặc cháo, sặc sữa... vì vậy khi bé đang ăn không nên chọc bé cười đùa, hoặc cho bé xem tivi. Ở những trẻ lớn hơn thì trong lúc đùa giỡn tuyệt đối không ngậm bất cứ thứ gì trong họng như hạt xí muội, kẹo, hạt nhãn, đũa, muỗng.... Khi trẻ bị dị vật đường thở, trước hết phải bình tĩnh, nếu trong nhà có nhiều người phải la lớn lên để mọi người xung quanh, hàng xóm.. có thể đến trợ giúp.
Hạt xí muội 20 mm sau khi được lấy ra
"Nếu bé bị hóc, nghẹt đường thở... người nhà cần gọi ngay cấp cứu 115. Nếu các bé nhỏ 1-3 tuổi mà hóc đồ chơi, các hạt đậu..., người lớn cần cho bé nằm úp trên đùi mình, đầu hơi thấp, vỗ mạnh lưng năm cái. Nếu sặc cháo hoặc sữa cho bé nằm nghiêng đầu hơi thấp. Dùng tay móc hết cháo hoặc sữa trong họng bé và nhanh chóng chuyển bé sang tư thế nằm sấp rồi vỗ lưng như trên. Cần lưu ý là phải tìm cách xử trí trước mới đưa bé đến trung tâm cấp cứu gần nhất hoặc gọi trợ giúp. Nếu không cấp cứu kịp thời thì hậu quả rất đáng tiếc" - BS Tuấn chia sẻ.