Trong lúc các cấp, các ngành chức năng và người dân toàn tỉnh Bến Tre đang quyết liệt ứng phó với hạn mặn thì khoảng một tháng nay, gia đình ông Nguyễn Thanh Hùng, nguyên Phó Chủ tịch UB MTTQ xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, cho người đào ao trái phép trên diện tích hơn 4.000 m2 đất lúa, đưa nước mặn vào chuẩn bị nuôi tôm biển.
Toàn bộ diện tích trên 4.000 m2 đất quy hoạch trồng lúa đã được đào thành bốn cái ao khổng lồ.
Đến thời điểm này bốn ao (mỗi ao có diện tích gần 1.000 m2, sâu hơn 2 m) đã được đào hoàn thành.Trong bốn ao trên, có hai ao đã bơm nước mặn vào để xử lý đáy ao.
Đáng chú ý, xung quanh các ao mới đào này có nhiều diện tích ruộng lúa của người dân. Trong khi đó xã An Bình Tây là vùng ngọt hóa của huyện Ba Tri, được quy hoạch vùng trồng lúa.
Việc đào ao nhằm chuẩn bị nuôi tôm biển này khiến nhiều người dân lân cận hết sức lo ngại trước nguy cơ nước mặn sẽ rò rỉ từ các vuông tôm qua cánh đồng lúa của họ, gây ảnh hưởng đến ruộng lúa khác và phá vỡ quy hoạch vùng ngọt hóa.
Trước phản ánh của người dân, ngày 6-5, ông Phạm Văn Gôm - Chủ tịch UBND xã Anh Bình Tây cho biết việc đào ao là do ông Nguyễn Hữu Lộc (con của ông Hùng) từng chuyên làm nghề nuôi tôm biển làm.
Còn đất là do ông Nguyễn Thanh Hùng, nguyên là Phó Chủ tịch UB MTTQ xã, đứng tên.
Nước mặn đã được bơm vào để xử lý đáy ao.
Theo ông Gôm, xã An Bình Tây có cử đoàn xuống kiểm tra, xác minh và lập biên bản vụ việc; đình chỉ việc đào ao đối với chủ đất là ông Nguyễn Thanh Hùng. Đồng thời, buộc ông Hùng cam kết không được đưa nước mặn vào nuôi tôm biển.
Ông Hùng cũng thừa nhận việc gia đình ông tự ý đào ao trên đất quy hoạch trồng lúa là sai quy định, đồng thời cam kết không nuôi tôm biển trên diện tích đã đào ao.
Cũng theo ông Gôm, dù chưa nuôi tôm nhưng việc đào ao trên đất lúa của ông Hùng để chuyển đổi mục đích sử dụng khác là vi phạm Nghị định 91 của Chính phủ. “Việc làm sai trái trên, sắp tới xã sẽ kiến nghị về cơ quan chức năng của huyện để có hướng xử lý đối với hộ sử dụng đất sai mục đích trong vùng quy hoạch trồng lúa” - Chủ tịch UBND xã An Bình Tây nói.
2/4 ao đã được bơm nước mặn vào xử lý đáy ao.
Theo ông Lê Quang Tiến - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Tri, việc ông Hùng đào ao nuôi thủy sản trong vùng đất lúa là sai quy định. Trước hết là sử dụng đất sai mục đích, sau đó nếu tự ý đưa nước mặn vào vùng ngọt là không đúng chủ trương của tỉnh.
“Vụ việc trên, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo UBND huyện, phối hợp các ngành có liên quan thành lập đoàn đến kiểm tra sẽ xử lý vi phạm theo đúng quy định tại Nghị định 91 của Chính phủ năm 2019. Cụ thể, Nghị định 91 quy định người vi phạm chuyển đất lúa sang đất mục đích sử dụng khác ngoài bị xử phạt hành chính còn buộc người vi phạm phải khắc phục hậu quả bằng cách khôi phục hiện trạng của đất” - ông Tiến nói.