Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng đã và đang xảy ra tại nhiều địa phương ở khu vực ĐBSCL, chiều 10-8, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN&PTNT trực tiếp khảo sát tình hình sạt lở tại biển Cồn Bửng (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, Bến Tre).
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết ĐBSCL đang hứng chịu một thách thức, tổn thương rất lớn trước biến đổi khí hậu (BĐKH). Trước tình hình đó, cuối năm 2017, Thủ tướng đã tổ chức một hội nghị rất lớn tổng thể tại ĐBSCL, trên cơ sở đó Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Trong đó, hiện nay Bộ NN&PTNT là một trong những đơn vị cùng với các tỉnh, thành và các bộ khác tổ chức thực hiện theo tinh thần của nghị quyết trên.
Theo Bộ trưởng, ĐBSCL đang có nguy cơ hai khu vực. Một là trên diện tích 736 km2 bờ biển Đông, bờ biển Tây hiện có 52 điểm sạt lở rất nghiêm trọng. Hai là toàn bộ trên các tuyến sông, kênh lớn của ĐBSCL, sạt lở hiện nay đang đe dọa đến đời sống hàng vạn hộ gia đình, sản xuất và ở các công trình kinh tế khác. Bộ trưởng cho biết đây là hai nguy cơ rất lớn mà ĐBSCL phải đối phó.
Qua những chuyến thị sát tại một số địa phương, Bộ trưởng nhận thấy ĐBSCL phải tập trung tìm mọi giải pháp để ứng phó một cách chủ động, kịp thời với tình hình sạt lở rất nghiêm trọng của toàn bộ hơn 700 km bờ biển Đông và bờ biển Tây của sáu tỉnh ven biển ĐBSCL.
Và từ tình hình sạt lở này, ở mỗi nơi trong ĐBSCL cũng phải đưa ra nhóm giải pháp ứng phó khác nhau. Theo Bộ trưởng, để ứng phó với sạt lở, ĐBSCL có những chỗ thì chúng ta có thể áp dụng bằng biện pháp cứng hóa đê kè, có những chỗ chúng ta cần phải áp dụng những giải pháp phi công trình để ngăn chặn và giảm nguy cơ sạt lở.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre chỉ cho bộ trưởng biết những điểm sạt lở nghiêm trọng đang xảy ra trên địa bàn.
Trực tiếp khảo sát tại Bến Tre, Bộ trưởng thấy rằng Bến Tre là một trong những tỉnh nằm trong khu vực ĐBSCL và tiếp giáp biển Đông với tổng chiều dài mặt biển khoảng 600 km, hiện có khoảng tám điểm sạt lở nguy cơ đe dọa rất cao, tổng số hơn 20 km trên tổng số 65 km bờ biển.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định gói đầu tư 1.500 tỉ đồng cho tất cả 29 điểm trọng điểm sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCL. Trong đó tỉnh Bến Tre được ưu tiên hỗ trợ khắc phục ba điểm sạt lở nghiêm trọng. Theo Bộ trưởng, tổ chức làm tốt ba điểm này cùng với 3-4 điểm khác mà Bến Tre đang khảo sát thiết kế để tiến tới tổ chức thi công bằng nhóm giải pháp hỗn hợp cả công trình và phi công trình là rất khả thi.
Được biết hiện tỉnh Bến Tre đã và đang áp dụng công nghệ mới trong ngăn chặn sạt lở bờ biển. Trong đó áp dụng công nghệ của Đài Loan và công nghệ của Việt Nam làm hệ thống đê mềm ngăn sạt lở. Tiếp theo đó, Bến Tre sẽ tổ chức trồng rừng ngập mặn và thậm chí những rừng phi lao phía bên trong để ngăn chặn sạt lở trước một bước.
Một điểm sạt lở bờ biển nghiêm trọng tại Bến Tre.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 100 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó sạt lở bờ sông là 92 điểm, tổng chiều dài khoảng 118 km, gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân. Sạt lở bờ biển là tám điểm, tổng chiều dài 19 km, sạt lở lấn sâu vào đất liền trung bình 10-15 m làm mất trên 120 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ ven biển. Trong số các điểm sạt lở trên có bốn điểm sạt lở nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến công trình hạ tầng quan trọng, khu dân cư sinh sống tập trung cần xử lý cấp bách (hai điểm sạt lở biển, hai điểm sạt lở bờ sông). Tại bờ biển khu vực Cồn Ngoài (xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri), chiều dài sạt lở 4 km gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng phục vụ bố trí, sắp xếp dân cư vùng kinh tế Cồn Nhàn - Cồn Ngoài. Bờ biển khu vực xã Thạnh Phong và biển Cồn Bửng (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú) sạt lở khoảng 6 km, mất dãy rừng phòng hộ và đang đe dọa đến một công trình di tích lịch sử. |