Ngày 15-5, tại cuộc họp về công tác quản lý hoạt động khai thác cát năm 2016 và quý I-2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - ông Nguyễn Hữu Lập đã chỉ đạo công an tỉnh phối hợp với ngành chức năng liên quan phải thường xuyên phối hợp tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn. Trường hợp bắt quả tang sẽ xử phạt hành chính, đồng thời tịch thu phương tiện tham gia khai thác cát từ 50 khối cát trở lên.
Đại tá Lê Văn Hòa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre, cho biết hiện tình hình vi phạm về khai thác cát lòng sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang diễn biến phức tạp, hình thành 15 điểm nóng trên các tuyến sông Cổ Chiên, Hàm Luông và sông Tiền, gây sạt lở bờ sông và ảnh hưởng đến môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.
Hoạt động khai thác cát rầm rộ trên sông Cổ Chiên.
Theo Đại tá Hòa, so với trước đây tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn nóng lên là do số lượng phương tiện khai thác cát tăng nhanh, trong khi các mỏ cát được cấp phép khai thác dần bị đóng cửa. Mặt khác, lợi nhuận khai thác cát đem lại rất cao nên các đối tượng cố tình vi phạm.
Nhiều phương tiện trong và ngoài tỉnh khai thác cát mọi thời điểm, cả ngày lẫn đêm ở một số khu vực không có mỏ hoặc dùng thủ đoạn mua phiếu của các đơn vị quản lý mỏ nhưng hút cát ra ngoài phạm vi mỏ; khai thác tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh. Họ cho người cảnh giới để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 843 phương tiện hành nghề khai thác cát, tăng 35 phương tiện so với năm 2015. Trong đó có 147 tàu sắt (có tải trọng từ 30 tấn đến dưới 500 tấn), 696 phương tiện ghe gỗ (tải trọng từ 10 tấn đến dưới 100 tấn).
Năm 2016 và quý I-2017, đoàn kiểm tra liên ngành khoáng sản tỉnh và các huyện đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 1.251 trường hợp vi phạm khai thác cát trái phép và trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa với tổng số tiền trên 13,8 tỉ đồng, tịch thu hai phương tiện vi phạm, buộc nộp số tiền tương đương với giá trị phương tiện bị tịch thu.
Lực lượng chức năng còn xử phạt một trường hợp ở huyện Châu Thành có hành vi chống người thi hành công vụ khi bị bắt quả tang khai thác cát trái phép, xử phạt một đối tượng làm nhiệm vụ cảnh giới cho cát tặc lộng hành.
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Bến Tre, do nhu cầu sử dụng cát để xây dựng, san lấp mặt bằng hiện nay là rất lớn, trong khi đó nguồn cung cấp cát hiện khan hiếm đã kéo giá cát tăng cao (hiện giá cát bán ra thị trường 100.000 đồng/khối). Vì lợi nhuận trước mắt, cát tặc bất chấp quy định phát luật, bất chấp thiệt hại của người dân, lén lút hoạt động với nhiều phương thức và thủ đoạn ngày càng phức tạp, thậm chí sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng nếu bị phát hiện.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết sắp tới ngành chức năng tỉnh Bến Tre sẽ tăng cường tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với hành vi khai thác cát trái phép hoặc lợi dụng việc nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa để khai thác cát trái phép khu vực cửa sông, cửa biển.
Đồng thời, buộc chấm dứt tình trạng khai thác cát vào ban đêm, kiên quyết không để hình thành điểm nóng khai thác cát gây bức xúc. Quá trình tuần tra, kiểm tra không để lộ lọt thông tin, tiếp tay cho cát tặc vi phạm.
Từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh Bến Tre đã thu hồi, điều chỉnh và thu hồi chấm dứt khai thác cát tại bảy mỏ cát trên các tuyến sông trên địa bàn tỉnh. Hiện Bến Tre còn ba mỏ cát được cấp phép hoạt động: Mỏ An Hiệp (sông Hàm Luông), mỏ Phụng Châu (sông Cổ Chiên) và mỏ Hợp tác xã Bình Đại (sông Tiền).