Tại buổi đối thoại với giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre ngày 23-10, nhiều ý kiến của người dân ở hai ấp Long Trạch và Nhuận Trạch, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam phản ánh tình trạng sạt lở ven sông Cổ Chiên đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng không hiểu vì sao chính quyền lại cấp phép cho doanh nghiệp (DN) khai thác mỏ cát. Nhiều người dân còn kiến nghị tỉnh nên cho dừng hoạt động khai thác mỏ cát Cẩm Sơn trên sông Cổ Chiên.
Người dân hai lần ngăn khai thác mỏ cát
Theo người dân, khúc sông Cổ Chiên đoạn qua xã Cẩm Sơn từ nhiều năm trở lại đây tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra thường xuyên dẫn đến sạt lở bờ sông. Bãi bồi ven sông đã không còn, nhiều hàng cây chắn sóng người dân trồng ven bờ như dừa nước, dãy bần cũng bị sạt lở, cây cối sụp xuống sông. Sạt lở bờ sông đã ăn sâu vào đất của người dân vẫn diễn ra khiến họ như ngồi trên lửa. Để bảo vệ đất, hằng năm người dân phải bỏ nhiều công sức gia cố bờ bao, có hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng làm kè tạm… ngăn con nước, chống sạt lở, giữ đất nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Trước đó, đầu tháng 4-2021, khi Công ty TNHH Xây dựng - Dịch vụ - Thương mại - Vận tải Trung Hiếu Phát (Công ty Trung Hiếu Phát), đơn vị trúng đấu giá và được UBND tỉnh Bến Tre cấp quyền khai thác mỏ cát, đưa cần cạp vào khai thác tại mỏ cát Cẩm Sơn thì gặp phải sự phản ứng của người dân. Hàng chục người dân đã hai lần kéo ra sông Cổ Chiên ngăn cản DN khai thác mỏ cát để bảo vệ đất vườn, sinh kế trước nguy cơ sạt lở có thể xảy ra.
Người dân lo lắng sạt lở sẽ tiếp diễn khi mỏ cát tiếp tục được khai thác.
Ảnh: ĐÔNG HÀ
Sau đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã phải can thiệp. Để tránh xảy ra xung đột giữa người dân và những người khai thác cát, việc khai thác cát phải tạm dừng chờ cơ quan chức năng có ý kiến.
Phía Công ty Trung Hiếu Phát đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Bến Tre, Sở TN&MT cùng các cơ quan liên quan có biện pháp can thiệp, xử lý để công ty tiếp tục khai thác mỏ cát. Trong công văn, công ty này cho biết đã nộp đầy đủ các khoản phí, lệ phí, thực hiện các biện pháp đảm bảo khai thác theo đúng quy định.
Sau đó, UBND tỉnh Bến Tre đã giao Sở TN&MT tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đối thoại với người dân để tìm biện pháp tháo gỡ.
Kiến nghị dừng khai thác mỏ cát
Có mặt tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Bé Ba, một người dân ấp Nhuận Trạch, cho rằng từ nhiều năm nay người dân sống ven sông Cổ Chiên đã phải gánh chịu nhiều hậu quả của sạt lở mà hệ lụy là do nạn “cát tặc” hoành hành từ nhiều năm trước. “Năm nào người dân cũng đắp bờ bao nhưng rồi bờ bao cũng bị sụp xuống sông, công sức người dân uổng phí. Đến nay người dân đã quá sức chịu đựng bởi sạt lở đã nhiều rồi nên tôi đề nghị tỉnh cho dừng khai thác mỏ cát để người dân ven sông Cổ Chiên an tâm sinh sống” - ông Bé Ba nói.
Cũng tại buổi đối thoại, một số ý kiến của người dân cũng cho rằng cát là nguồn tài nguyên của Nhà nước, việc khai thác cát của Nhà nước người dân không ngăn cản nhưng phải đảm bảo khai thác cát có kiểm soát, đảm bảo quyền lợi của người dân. Theo người dân, nếu cho DN tiếp tục khai thác mỏ cát thì cần phải đầu tư bờ kè làm “lá chắn” vững chắc, không làm sạt lở đất của người dân và có thỏa thuận bồi thường thỏa đáng cho người dân nếu có xảy ra sạt lở.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn, cũng cho biết tình trạng sạt lở bờ sông Cổ Chiên trên địa bàn xã đã xảy ra nhiều năm nay chứ không phải khi Công ty Trung Hiếu Phát khai thác mỏ cát mới xảy ra sạt lở. Cũng theo ông Dũng, trước khi mỏ cát đi vào khai thác, Sở TN&MT tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của người dân trong vùng dự án về phương án đánh giá tác động môi trường thì cơ bản người dân thống nhất đồng tình với chủ trương nhưng người dân có đề nghị việc khai thác phải đảm bảo như thế nào để không gây sạt lở đất.
Trước ý kiến của người dân, ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre, cho biết quyền lợi của người dân luôn được Nhà nước quan tâm, đảm bảo sao cho hợp lý, hài hòa và chính đáng. Ông Tuấn cũng cho rằng hoạt động khai thác mỏ cát Cẩm Sơn là chủ trương của tỉnh, trước khi đồng ý cho DN khai thác, tỉnh cũng đã tiến hành nhiều bước khảo sát, lập quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật và UBND tỉnh đã cấp quyền khai thác cho DN.
Theo ông Tuấn, Sở TN&MT tỉnh sẽ ghi nhận đầy đủ ý kiến của người dân và mong rằng người dân nên ủng hộ chủ trương của tỉnh. Đồng thời, ông cũng cho biết sau buổi đối thoại này, Sở TN&MT sẽ có báo cáo UBND tỉnh đề nghị cho phép DN tiếp tục khai thác mỏ cát Cẩm Sơn trên cơ sở có kiểm soát, giám sát theo quy định.•
Diện tích mỏ cát được cấp phép trên 70 ha Mỏ cát Cẩm Sơn nằm trên sông Cổ Chiên có chiều dài 1,6 km, thuộc hai ấp Long Trạch và Nhuận Trạch, xã Cẩm Sơn. Khu vực này có 64 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Trước đó, mỏ cát này đã được tỉnh lập quy hoạch, cơ quan chức năng khảo sát, thăm dò trữ lượng, lập tờ trình, đánh giá tác động môi trường, tổ chức đấu giá. Đầu tháng 10-2020, UBND tỉnh cấp quyền khai thác mỏ cát này cho Công ty Trung Hiếu Phát khai thác. Diện tích mỏ cát được cấp phép trên 70 ha với trữ lượng khai thác 510.000 m3. Thời gian khai thác hai năm, công suất khai thác 180.000 m3/năm (tương đương với 720 m3/ngày). Việc khai thác cát chỉ được thực hiện vào ban ngày từ 7 giờ đến 17 giờ. Hoạt động khai thác cát cách bờ tối thiểu 200 m, độ sâu tối đa không quá 1,2 m. |