Bến xe chỉ hết vé xe giường nằm

Ngày 30-1, đoàn kiểm tra liên ngành gồm lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, Bộ GTVT cùng Tổng cục Đường bộ, CSGT TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM… đã tiến hành kiểm tra hai cửa ngõ giao thông lớn của TP là Bến xe Miền Đông và Cảng hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất để đảm bảo ATGT, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa dịp Tết nguyên đán.

Đến bến xe là có vé

Tại Bến xe Miền Đông, lượng người tiếp tục đổ về mua vé xe đã gây nên cảnh ùn tắc ở nhiều tuyến đường quanh khu vực như từ cầu Bình Triệu 2 đến trước cửa bến xe, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến bến xe… Dòng người xe chen chúc nhích đi từng mét một.

Tuy nhiên, dù tình trạng khách đổ về mỗi lúc một đông nhưng bên trong bến xe không xảy ra tình trạng khan vé. Dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành đi khảo sát tình hình phục vụ người dân của Bến xe Miền Đông dịp Tết nguyên đán sáng 30-1, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, cho biết: “Tôi đến đây khá sớm, từ hơn 8 giờ, dạo một vòng thì thấy nhân viên bán vé vẫn rất thảnh thơi. Trong khi nhiều thông tin trước đây nói hết vé, thực chất đây là hết vé cục bộ ở các xe thương hiệu, xe giường nằm, chứ báo cáo của bến là còn rất nhiều vé. Người dân cứ yên tâm đến bến có xe, có vé”.

Ông Hùng tiếp tục thị sát một số chuyến xe chuẩn bị xuất bến, kiểm tra công tác an toàn xe như trang bị dây an toàn, PCCC, nhắc nhở các tài xế điều khiển phương tiện phải tuyệt đối an toàn trên suốt hành trình.

“Tôi đề nghị bến xe kết hợp với cơ quan chức năng tập trung kiểm tra điều kiện an toàn của xe, với tài xế thì đo nồng độ cồn, ma túy trước khi xuất bến… để ngăn ngừa tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra cho người dân. Ngoài ra, nếu xe không đủ dây an toàn, đề nghị đổi xe khác, gửi xe máy đi theo thì lưu ý rút hết xăng” - ông Hùng nhấn mạnh.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, thông tin hiện nay bến xe vẫn còn hơn 266.000 vé nên người dân không nên hoang mang dẫn đến mua vé chợ đen. Theo ông Huy, do tâm lý hành khách thích đi những xe có thương hiệu nên tình trạng khan hiếm vé ở những đơn vị này có xảy ra.

Ông Khuất Việt Hùng nhắc nhở một tài xế lái xe an toàn trước khi xuất bến. Ảnh: K.CƯỜNG

Dù lượng khách đông nghịt nhưng sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đảm bảo an ninh trật tự. Ảnh: K.CƯỜNG

Sân bay xử lý việc chậm chuyến

Chiều cùng ngày, đoàn kiểm tra liên ngành đã đến kiểm tra CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Ghi nhận của PV, bên trong sân bay Tân Sơn Nhất những ngày này tấp nập hành khách, những tuyến đường xung quanh lúc nào dòng người xe cũng đông nghìn nghịt.

Báo cáo với đoàn liên ngành, ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, cho biết hiện tần suất chuyến bay lên đến 805-820 chuyến/ngày, sắp tới có thể tăng đến 900 lần chuyến/ngày, vượt trung bình so với Tết năm trước.

Ông Tú cũng cho biết sân bay đã có kế hoạch chuẩn bị trước đó để đáp ứng nhu cầu đi lại hành khách như tăng chỗ làm thủ tục máy bay, kéo dài băng chuyền hành lý, đưa giải pháp check-in trực tuyến nhằm giảm áp lực cho khu vực làm thủ tục, tăng sân đỗ máy bay lên 72 sân (trước là 55 sân).

Người đứng đầu CHK cũng cho biết đã có nhiều việc cần rút kinh nghiệm như vài ngày qua việc chậm chuyến của các hãng vẫn còn xảy ra nhiều. “Chậm chuyến xảy ra tập trung chủ yếu vào khung giờ chiều tối do cộng hưởng chậm từ đầu ngày dồn về, nguyên nhân chính vẫn do máy bay về trễ. Tôi đề nghị các hãng phải linh hoạt và xử lý cái này, không để người dân bức xúc, chờ cả ngày ở sân bay” - ông Tú cho biết.

Đại diện hãng VietJet Air cho biết từ ngày 20-1 đến 19-2, hãng phục vụ hơn 11.800 chuyến bay, riêng tại sân bay Tân Sơn Nhất là 3.800 chuyến. Hãng cũng huy động 65 máy bay và năm máy bay dự phòng. “Chúng tôi sẽ cố gắng linh hoạt xếp giờ bay, đặc biệt quan trọng đầu ngày phải đúng giờ, thậm chí sớm hơn cũng được để không bị dồn việc chậm chuyến” - đại diện hãng này nói. Đại diện hãng Vietnam Airlines cho biết thêm cao điểm một ngày hãng có thể phục vụ đến 27.000 hành khách. Hãng luôn có 100 tiếp viên dự phòng, mỗi chuyến đều có một tổ bay dự phòng để chủ động trong mọi tình huống.

Để giảm tải cho khu vực quanh sân bay, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban ATGT TP.HCM, đề nghị sân bay cần có các giải pháp lâu dài, trung hạn và ngắn hạn. “Vào đợt cao điểm thì giao thông tại đây luôn ùn tắc, chúng ta bàn nhiều nhưng phương án thì phải làm sao không để dồn cục ở sân bay như thế này” - ông Tường nói.

Đánh giá về công tác chuẩn bị của sân bay, ông Khuất Việt Hùng cho rằng các bộ phận của sân bay đã phối hợp tốt để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. “Còn vấn đề chậm chuyến, Tổng Công ty CHK Việt Nam phối hợp, kiểm tra, đôn đốc, thống nhất với các hãng để có giải pháp không để xảy ra tình trạng trên” - ông Hùng lưu ý.

13 vị trí kiểm tra xe dù, bến cóc

Nói về công tác kiểm soát giá vé, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết ngay từ đầu tháng 12 các bộ phận chức năng của Sở đã liên tục làm việc với các bến xe, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. “Dù phụ thu tiền cơm hay bất cứ gì thì nhà xe cũng phải ghi rõ để khách hàng biết, chứ không có chuyện lập lờ ở đây. Về xe dù, bến cóc vẫn còn tồn tại nhưng đã hạn chế rất nhiều, sau khi báo chí phản ánh chúng tôi đã bố trí 13 vị trí để thanh tra, kiểm soát tình hình này” - ông Lâm nói.

Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP, thông tin đợt ra quân vừa qua đã phát hiện năm trường hợp tài xế dương tính với ma túy, một số xe không đủ điều kiện hoạt động bị buộc ngưng. “Về xử lý vi phạm giao thông, chúng tôi xử lý 200 vụ việc trong năm ngày với số tiền xử phạt lên đến 500 triệu đồng” - ông Khánh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm