Theo kế hoạch, ngày 15-8, Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới sẽ được hoạt động giai đoạn 1. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa một đơn vị vận tải nào được khai thác tại bến này như dự kiến của Sở GTVT và chủ đầu tư.
Theo ghi nhận của PV, sáng 15-8, các tuyến đường nội bộ, bãi đậu xe đã hoàn thiện việc sơn vạch kẻ... Tuy nhiên, phần kết nối bến xe và các tuyến đường xung quanh vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Điển hình các tuyến Hoàng Hữu Nam, đường số 13 và đường A8 vẫn xuất hiện nhiều ổ gà, đường sá di chuyển khó khăn. Cả bến xe vẫn vắng vẻ, yên ắng với vài công nhân thi công để hoàn thiện phần nội thất còn lại.
Về nguyên nhân bến xe mới chưa thể hoạt động đúng ngày 15-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT), cho hay: “Samco (Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn, chủ đầu tư dự án - PV) dự kiến đưa BXMĐ mới vào sử dụng chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 là ngày 15-8 và giai đoạn 2 sau đó khoảng một năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này Samco đã báo cáo UBND TP.HCM một số vấn đề pháp lý như việc nghiệm thu của Bộ Xây dựng chưa có, mặc dù có kiểm tra đầy đủ nhưng chưa có văn bản cụ thể”.
Bến xe Miền Đông mới vẫn chưa thể khai thác giai đoạn 1 như dự kiến. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ông Hải cho biết thêm, lý do thứ hai là hiện thủ tục ký hợp đồng với các đơn vị khai thác, cung cấp dịch vụ vận hành, điều hành tại BXMĐ mới vẫn chưa hoàn thành nên chưa thể khai thác. Theo đó, UBND TP.HCM có yêu cầu: Tối đa là thứ Năm tuần sau (22-8) chủ đầu tư phải báo cáo lại các vấn đề pháp lý này.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, đến thời điểm hiện tại phía Samco vẫn chưa cho biết ngày hoạt động (giai đoạn 1) cụ thể của BXMĐ mới. Về vấn đề này, bà Tăng Thị Thu Lý, Phó Tổng giám đốc Samco, chỉ thông tin ngắn gọn: “Samco đã kiến nghị với UBND TP.HCM các vấn đề pháp lý để đưa bến xe vào hoạt động. Ngày khánh thành BXMĐ mới sẽ làm gọn nhẹ, tiết kiệm và sẽ thông tin trước một tháng. Đồng thời sẽ thông báo cụ thể về lượng chuyến và giờ giấc để các đơn vị liên quan chuẩn bị nguồn lực”.
Trước đó Sở GTVT cho hay giai đoạn 1 dự kiến sẽ di dời 29 tuyến xe cố định có cự ly từ 1.100 km trở lên (tức từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc) ra bến xe mới. Trung bình có khoảng 40 chuyến/ngày hoạt động tại bến xe mới.
Theo quy hoạch, BXMĐ mới là quần thể phức hợp có tổng diện tích 16 ha, được khởi công từ tháng 4-2017 với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng. Đây được coi là bến xe lớn nhất nước, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm. Giai đoạn 1 của dự án được đầu tư khoảng 740 tỉ đồng. Dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành các công trình xây dựng quanh bến xe như hầm chui, cầu vượt, cải tạo mở rộng quốc lộ 1, hệ thống đường Hoàng Hữu Nam. Giai đoạn 2 sẽ di dời tiếp 85 tuyến xe khách cố định từ Huế trở vào miền Trung, Đồng Nai, Lâm Đồng, khu vực Tây Nguyên và các tuyến liên vận quốc tế. BXMĐ mới từng được kỳ vọng sẽ đưa vào sử dụng, phục vụ hành khách dịp cuối năm 2017 nhưng lại dời sang quý I-2019, rồi 15-8-2019 và đến nay chưa biết khi nào hoạt động. |