Bệnh đậu mùa khỉ: Những cột mốc chú ý từ khi mới bùng phát ở châu Phi đến thành dịch bệnh toàn cầu

(PLO)- Theo WHO, chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 6, số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu, vốn từng chỉ lưu hành ở khu vực châu Phi, đã tăng từ hơn 1.000 ca lên gần 14.000 ca.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại cuộc họp báo ngày 23-7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ở 72 quốc gia với gần 16.000 ca nhiễm là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu.

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao trên khắp thế giới dẫn đến cuộc tranh giành mới về vaccine giữa các quốc gia giàu và nghèo, hãng tin AFP đã có một bài viết về những cột mốc đáng chú ý của căn bệnh này kể từ khi bùng phát ở châu Phi đến thành dịch bệnh toàn cầu hàng chục năm sau đó.

1970: Phát hiện ca nhiễm đầu tiên ở người

Ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Zaire, nay là Cộng hòa Dân chủ Congo, ở một cậu bé 9 tuổi.

Đậu mùa khỉ sau đó nhanh chóng trở thành một căn bệnh đặc hữu ở các quốc gia Trung và Tây Phi, với 11 quốc gia đều ghi nhận ca nhiễm.

Virus đậu mùa khỉ ở châu Phi lây lan khi con người tiếp xúc gần với động vật nhiễm bệnh, chủ yếu là loài gặm nhấm.

2003: Ca bệnh đầu tiên ở ngoài khu vực châu Phi

Vào tháng 6-2003, bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở Mỹ, là ca bệnh đầu tiên được phát hiện bên ngoài châu Phi.

Đợt bùng phát năm 2003 được cho là do nguồn thịt cầy thảo nguyên nhiễm bệnh, được nhập khẩu vào Mỹ từ Ghana (quốc gia ở Bắc Phi).

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ tại thời điểm đó cho biết có 87 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận, song không có trường hợp tử vong nào.

Hình chụp kính hiển vi cho thấy hình dáng của virus bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: CNN

Hình chụp kính hiển vi cho thấy hình dáng của virus bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: CNN

2017: Đợt bùng phát lớn ở Nigeria

Một đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lớn đã xảy ra ở Nigeria vào năm 2017, với hơn 200 ca nhiễm được xác nhận và tỉ lệ tử vong khoảng 3%, theo WHO.

Trong vòng 5 năm tiếp theo, một số trường hợp lẻ tẻ đã được ghi nhận trên khắp thế giới, đặc biệt ở Anh, Israel, Singapore và Mỹ, với bệnh nhân là những du khách đến từ Nigeria.

Tháng 5-2022: Đợt bùng phát lớn bên ngoài châu Phi

Vào tháng 5 năm nay, một loạt các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở các quốc gia bên ngoài châu Phi, đặc biệt ở châu Âu, vốn không thuộc vùng lưu hành bệnh. Hầu hết bệnh nhân là những người có quan hệ đồng tính nam.

Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang diễn ra được xác nhận vào ngày 6-5, bắt đầu từ một cư dân Anh, sau khi người này đi du lịch đến Nigeria. Đến ngày 20-5, nước Anh đã ghi nhận 20 trường hợp nhiễm bệnh.

Cùng ngày, theo thống kê của WHO, có 80 ca bệnh khác được ghi nhận ở hàng loạt nước, như Úc, Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Điển.

Bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ bị phát ban trên tay. Ảnh: BBC

Bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ bị phát ban trên tay. Ảnh: BBC

Cuối tháng 5-2022: Bắt đầu quá trình tiêm vaccine

Vào ngày 23-5, Mỹ cho biết đang chuẩn bị tiêm vaccine đậu mùa, có hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ, cho những người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm bệnh.

Ba ngày sau, Liên minh châu Âu (EU) cũng thông báo bắt đầu đặt mua vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ.

Tháng 6-2022: Hơn 1.000 ca nhiễm được ghi nhận

Vào đầu tháng 6, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hơn 1.000 trường hợp mắc bệnh đậu khỉ đã được ghi nhận tại 29 quốc gia bên ngoài châu Phi, là những nước không thuộc vùng lưu hành của bệnh.

Đến ngày 21-6, Anh công bố kế hoạch cung cấp vaccine đậu mùa cho những người đàn ông đồng tính và song tính có nhiều bạn tình.

Hai ngày sau đó, các chuyên gia WHO tổ chức cuộc họp khẩn để thảo luận về mối đe dọa từ bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, các chuyên gia lúc bấy giờ cho rằng bệnh đậu mùa khỉ chưa nặng đến mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng toàn cầu.

Nhân viên y tế cầm lọ đựng mẫu xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: PBS

Nhân viên y tế cầm lọ đựng mẫu xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: PBS

Tháng 7-2022: Số ca nhiễm tăng vọt lên gần 14.000 trường hợp ở hơn 70 quốc gia

Vào ngày 8-7, cơ quan y tế Pháp bắt đầu triển khai các biện pháp phòng ngừa đối với những người được coi là có nguy cơ nhiễm cao, bao gồm nhóm người đồng tính nam, người chuyển giới và người bán dâm.

Vào ngày 14-7, CDC Mỹ cho biết có hơn 11.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được xác nhận ở 60 quốc gia không thuộc vùng lưu hành của bệnh. Hầu hết các trường hợp nhiễm mới này ở châu Âu, Mỹ và Canada.

Số ca nhiễm mới ở TP New York tăng gấp đôi chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lên vài trăm ca. Bắt đầu xuất hiện tình trạng người dân xếp hàng dài để chờ tiêm vaccine.

Đến ngày 20-7, ông Tedros thông báo đã có gần 14.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận từ hơn 70 quốc gia trong năm nay, với 5 trường hợp tử vong đều ở châu Phi.

Một ngày sau đó, WHO đã triệu tập cuộc họp khẩn với các chuyên gia để quyết định xem có nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu hay không.

Đến ngày 23-7, ông Tedros tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng toàn cầu do tốc độ lây truyền nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa tới các quốc gia khác.

Người mắc bệnh đậu mùa khỉ thường bị sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi và phát ban. Nếu không xảy ra biến chứng, bệnh nhân thường khỏi bệnh trong vòng 14-21 ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm