Các nước khẩn trương ứng phó với dịch bệnh đậu mùa khỉ

(PLO)- WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ và tin tưởng thế giới có thể kiểm soát dịch bệnh bùng phát.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong cuộc họp báo ngày 23-7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ở hơn 70 quốc gia, là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Đây vốn dĩ là một căn bệnh chỉ xuất hiện ở châu Phi trong nhiều năm qua nhưng giờ đây đã thành nỗi lo mới mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt.

Quá trình dịch bệnh lây lan phức tạp

Theo tờ South China Morning Post, bệnh đậu mùa khỉ do virus cùng họ với virus gây ra bệnh đậu mùa ở người và ở bò gây ra. Căn bệnh này được phát hiện lần đầu vào năm 1958 trên những con khỉ được nuôi nghiên cứu. Ca đầu tiên ở người được ghi nhận ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1970. Lâu nay bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện và chỉ lây nhiễm chủ yếu ở Trung và Tây Phi, bệnh chưa gây ra đợt bùng phát lớn nào bên ngoài lục địa hay lây lan rộng rãi giữa người với người.

Trong bài viết trên tạp chí Y khoa Úc, GS Raina MacIntyre và GS Andrew Grulich (chuyên gia tại Viện Kirby, tổ chức nghiên cứu y tế liên kết với ĐH New South Wales, Úc) nhận định rằng việc giám sát và tích cực chặn dịch là cần thiết và sẽ càng lý tưởng hơn khi kết hợp với việc triển khai vaccine ngừa bệnh đậu mùa thế hệ thứ ba cho những người tiếp xúc gần với nguồn bệnh.

Dù vậy, từ tháng 5, các nhà chức trách đã phát hiện hàng loạt ca nhiễm ở châu Âu, Bắc Mỹ và các nơi khác. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, kể từ khi xuất hiện ở châu Âu, số ca mắc đậu mùa khỉ được báo cáo tới hơn 16.000 người, ghi nhận ở 75 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng là nguyên nhân khiến WHO tuyên bố rằng bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Theo hãng tin AFP, ông Ghebreyesus cho hay bệnh đậu mùa khỉ là một mối đe dọa sức khỏe đang ngày càng gia tăng. Ông kêu gọi các chính quyền trên toàn thế giới tăng cường giám sát, truy vết, xét nghiệm và đảm bảo rằng những người có nguy cơ cao được tiếp cận với vaccine và thuốc kháng virus.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo ngày 23-7. Ảnh: WHO

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo ngày 23-7.

Ảnh: WHO

Theo đài CNBC, với tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, WHO giờ đây coi sự bùng phát bệnh này là mối đe dọa đủ lớn đối với sức khỏe của người dân các nước, cần có một phản ứng quốc tế mang tính phối hợp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan xa hơn và ngăn chặn nó bùng phát thành đại dịch.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với một dịch bệnh, gần đây nhất là với đại dịch COVID-19. Nhiều chuyên gia nhận định bệnh đậu mùa khỉ không “đáng sợ” như COVID-19, chính vì vậy ông Tedros tỏ ra lạc quan trước khả năng thế giới nhanh chóng kiểm soát loại bệnh này.

“Với những công cụ chúng ta có hiện nay, chúng ta có thể kiểm soát dịch bệnh bùng phát và ngăn chặn sự lây nhiễm” - người đứng đầu WHO cho hay.

Các nước phòng bệnh ra sao?

Theo tờ The Asahi Shimbun, mặc dù chưa có trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ nào được ghi nhận tại Nhật nhưng Bộ Y tế nước này sẽ xem xét triển khai tiêm vaccine đậu mùa cho các nhân viên y tế như một biện pháp phòng ngừa. Chính phủ Nhật đã dự trữ vaccine phòng bệnh đậu mùa trong thời gian qua. Loại vaccine này được cho là có hiệu quả 85% trong việc giảm các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ và được kỳ vọng sẽ giúp ngăn ngừa bệnh trở nặng.

Bộ Y tế Nhật cũng đã khởi động một nghiên cứu lâm sàng về một loại thuốc trị bệnh đậu mùa, được gọi là Tecovirimat, tại Trung tâm Y tế và sức khỏe toàn cầu quốc gia Nhật để sử dụng điều trị cho bệnh nhân đậu mùa khỉ. Theo The Asahi Shimbun, thuốc này hiện đã được sử dụng ở châu Âu.

Theo Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ, chính phủ nước này hồi đầu tháng 7 đã đặt 2,5 triệu liều vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ có tên là Jynneos, do hãng dược Bavarian Nordic (Đan Mạch) sản xuất. Theo tờ The Washington Post, đến cuối tháng 7, khoảng 780.000 liều Jynneos sẽ sẵn sàng được cung cấp cho người dân. Mỹ hiện ghi nhận 2.891 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Chính quyền Washington cũng đã phê duyệt sử dụng vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ có tên gọi ACAM2000, hiện do hãng dược BioSolutions (Mỹ) sản xuất. Tuy nhiên, theo South China Morning Post, vaccine này có một số tác dụng phụ đáng kể và có thể gây rủi ro cho những người bị ức chế miễn dịch (giảm kích hoạt hoặc hiệu quả của hệ thống miễn dịch), chẳng hạn như người bị nhiễm HIV, thậm chí gây tử vong cho những người bị bệnh chàm.

Theo hãng tin Reuters, một số nước như Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Canada... cũng đã đặt mua vaccine Jynneos và triển khai cho nhân viên y tế và những người bị phơi nhiễm. Theo CDC Mỹ, vaccine vẫn có hiệu quả dù được tiêm sau khi phơi nhiễm, do đó khuyến cáo mọi người nên tiêm vaccine trong vòng bốn ngày kể từ ngày phơi nhiễm để vaccine phát huy hiệu quả tốt nhất, tờ The New York Times đưa tin.•

Đông Nam Á cũng không thoát nạn

Ngày 23-7, Bộ Y tế Campuchia cho biết phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở Thái Lan đã trốn sang thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Hãng tin AFP dẫn lời Bộ Y tế Thái Lan rằng bệnh nhân (nam giới, quốc tịch Nigeria, 27 tuổi) được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ khi đang ở TP Phuket.

Theo một quan chức y tế Thái Lan, trong thời gian ở Phuket, người đàn ông đã đến hai địa điểm giải trí và 142 người có mặt tại các địa điểm này khi đó đang được xét nghiệm bệnh. Người này đã bỏ trốn sau khi nhận kết quả xét nghiệm.

Sau khi phát hiện tín hiệu điện thoại của người đàn ông ở một tỉnh phía đông bắc Thái Lan giáp với Campuchia, chính quyền Phnom Penh ngay lập tức tiến hành rà soát và phát hiện người đàn ông đang trốn ở thủ đô nước này. Phía Campuchia đưa người đàn ông đến BV hữu nghị Khmer-Xô Viết để điều trị và kêu gọi tất cả những người tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân Nigeria nên tự cách ly và kiểm tra sức khỏe để ngăn chặn sự lây lan của virus đậu mùa khỉ.

Trước đó, ngày 7-7, Bộ Y tế Singapore xác nhận ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ nội địa đầu tiên. Bệnh nhân này là một người đàn ông Malaysia sống ở đảo quốc sư tử, kênh Channel News Asia đưa tin.

Theo bộ này, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng tổn thương da ở vùng bụng dưới từ ngày 30-6, sau đó mệt mỏi và sưng hạch bạch huyết vào ngày 2-7. Ngày 4-7, bệnh nhân phát sốt, đau họng và đến cơ sở y tế để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm hôm 6-7 cho thấy bệnh nhân này dương tính với virus gây bệnh đậu mùa khỉ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm