Bệnh ho gà ở TP.HCM tăng, có ca biến chứng nặng phải thở ô xy

(PLO)- Tại TP.HCM, bệnh ho gà có xu hướng tăng, nhiều ca biến chứng nặng, có ca phải thở ô xy do phát hiện bệnh trễ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chị NTTL (33 tuổi, quận Bình Thạnh) đang chăm con 1,5 tháng tuổi bị bệnh ho gà tại khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi Đồng 2) đã 2 tuần nay.

Phải thở ô xy do phát hiện bệnh trễ

“Trước đó bé thở khò khè, ho nhẹ, qua ngày thứ 3 thì ho đến tím mặt tái môi. Gia đình tôi đưa bé đi khám tại phòng khám gần nhà thì được tư vấn đến bệnh viện" - chị L cho biết

Tại một bệnh viện tư, bé được chẩn đoán viêm phổi, tập vật lý trị liệu để đẩy đàm ra thì gặp cơn ngưng thở, phải thở ôxy, được chăm sóc đặc biệt.

Sau một ngày, bé vẫn có cơn ngưng thở, bác sĩ test đờm thấy bé bị nhiễm vi khuẩn ho gà nên chuyển qua Bệnh viện Nhi Đồng 2.

benh-ho-ga2.jpg
ThS-BS Nguyễn Đình Qui, Phó Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang khám cho trẻ mắc bệnh ho gà điều trị tại bệnh viện. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Tại đây, bé được thở ô xy nồng độ cao, thở CPAP (thở áp lực dương) liên tục. Sau vài ngày điều trị tình trạng cải thiện dần, đến sáng 25-6 sức khỏe của bé ổn định.

Chị L chia sẻ thêm, con chị chưa đủ tháng để được tiêm vaccine ho gà, bản thân chị cũng không tiêm vaccine này. Một tuần sau sinh, chị ho nặng khoảng 3 tuần, có thể bé đã lây bệnh từ mẹ.

Ca ho gà tiếp theo là bé trai hơn một tháng tuổi, con chị NTTD (38 tuổi, ngụ quận 7), đã điều trị tại khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 được 10 ngày. Giống trường hợp trên, bé trai chưa đủ tuổi tiêm vaccine ngừa ho gà, có thể bé đã lây bệnh từ ba khi trước đó ba bé bị ho, sốt kéo dài...

Theo mẹ bé trai, thấy con ho tím tái chị đưa con vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám, bác sĩ xét nghiệm mới biết bé bị ho gà. Tại đây, bé được truyền thuốc kháng sinh, sức khỏe hiện tiến triển tốt.

Bệnh ho gà - 1
Bệnh ho gà đang có xu hướng tăng, có trẻ biến chứng nặng phải thở CPAP. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ca bệnh ho gà tăng theo tuần

ThS-BS Nguyễn Đình Qui, Phó Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết ca bệnh ho gà tại bệnh viện có xu hướng tăng. Thời điểm này năm ngoái, khoa không ghi nhận ca nào, năm nay ho gà mới xuất hiện, số lượng ca bệnh tăng theo từng tuần.

Hiện khoa đang điều trị 7 trẻ mắc bệnh ho gà, 1/3 số đó phải thở ô xy do cơn ho kéo dài kèm tím tái nhiều.

Lứa tuổi thường gặp mắc bệnh ho gà là trẻ dưới 3 tháng tuổi. Những ca dưới 2 tháng tuổi chưa được tiêm ngừa, nguồn lây chủ yếu là từ cha, mẹ hoặc người chăm sóc chính mắc bệnh ho gà. (Bác sĩ Nguyễn Đình Qui)

Gần đây, mỗi ngày khoa Nhiễm tiếp nhận điều trị khoảng 1-2 ca bệnh ho gà. Phần lớn trẻ có triệu chứng nổi trội là ho nên người nhà thường nghĩ con bị ho bình thường, không biết trẻ bị ho gà.

Theo bác sĩ Qui, ho gà hay bị nhầm lẫn với ho thông thường. Có những phụ huynh khi thấy con ho đi mua thuốc cho con uống, không bớt mới đi bệnh viện khám gây kéo dài thời gian điều trị.

"Việc phát hiện và điều trị trễ bệnh ho gà có thể gây biến chứng viêm phổi vì sau cơn ho, đàm nhớt rất dai, bị tắt nghẽn gây sặc phổi, từ đó gây viêm phổi" - bác sĩ Qui cảnh báo.

Ho gà có thuốc điều trị đặc hiệu, phác đồ điều trị chỉ khoảng 5 ngày. Nếu phát hiện sớm, đôi khi trẻ không cần nhập viện mà có thể theo dõi tại nhà, khi cần mới đi tái khám. Nếu để biến chứng viêm phổi kèm theo bội nhiễm phải điều trị thêm những kháng sinh khác gây kéo dài thời gian hồi phục.

“Khi trẻ ho kéo dài, sau cơn ho thường tím tái, đỏ mặt, người nhà cần nghĩ ngay đến ho gà để đưa trẻ đi khám ngay, được cách ly kịp thời, tránh lây lan bệnh. Ho gà lây qua đường hô hấp, khi chăm sóc phụ huynh nên mang khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên để hạn chế lây lan cho những trẻ khác” - bác sĩ khuyến cáo.

Cũng theo bác sĩ Qui, ngoài trẻ nhỏ chưa đủ tuổi tiêm vaccine ngừa ho gà, khoa cũng tiếp nhận những trẻ lớn mắc ho gà chưa được tiêm vaccine. Có trẻ đã 3 tuổi nhưng chưa tiêm ngừa vaccine 5 trong 1, 6 trong 1 do gián đoạn tiêm trong đợt dịch COVID-19.

Tiêm bổ sung vaccine ngăn nguy cơ bùng dịch sởi

Vừa qua, Sở Y tế TP.HCM đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM về ban hành kế hoạch chiến dịch tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn.

Đến ngày 9-6, TP đã ghi nhận 16 ca mắc sởi tại 4 quận, huyện, tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi và đều chưa được tiêm vaccine.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã đánh giá nguy cơ bùng phát dịch sởi tại các quận, huyện. Kết quả toàn TP ở mức nguy cơ rất cao; 2 quận, huyện có nguy cơ rất cao là Bình Tân và Hóc Môn; nguy cơ cao là Củ Chi; các quận, huyện còn lại nguy cơ trung bình.

Kinh phí dự kiến mua sắm vaccine sởi - rubella, dung môi sởi - rubella, tập huấn, truyền thông cho chiến dịch là hơn 4,3 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm