Ngày 19-12, thông tin từ đoàn công tác của BV Nhi Trung ương do PGS-TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc bệnh viện làm trưởng đoàn cùng các tiến sĩ, bác sĩ thuộc các chuyên khoa Tâm bệnh, Thần kinh, Tư vấn trẻ vị thành niên... đã đến khám cho 108 em học sinh tại Trường Tiểu học Nà Bản (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) đã cho biết kết quả ban đầu về căn bệnh lạ khiến chín em học sinh có biểu hiện bất thường về tâm thần, sức khỏe.
Điểm trường Nà Bản (Bắc Kạn)
Theo PGS-TS Trần Minh Điển, sau khi thăm khám cho các bệnh nhi về tâm lý, thần kinh, môi trường..., các bác sĩ bước đầu xác định chín học sinh mắc rối loạn phân ly tập thể. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi, làm các xét nghiệm cần thiết để kết luận chính xác nguyên nhân.
“Điều đặc biệt là chín học sinh này đều là trẻ nữ, tuổi vị thành niên, đều ở nhóm học sinh giỏi của trường, chỉ số IQ cao và chuẩn bị thi học kỳ. Tám trong chín cháu này ở cùng một xóm. Các em đều sống trong điều kiện thiếu thốn, cả bản không nhà nào có tivi và ít được tham gia các hoạt động tập thể” - PGS Điển cho hay.
Đoàn kiểm tra của BV Nhi Trung Ương kiểm tra sức khỏe cho học sinh điểm Trường Nà Bản
Đoàn kiểm tra của BV Nhi Trung Ương kiểm tra sức khỏe cho học sinh điểm Trường Nà Bản
Trước đó, các cháu bé này đã có các biểu hiện rối loạn tâm lý đa dạng như người cứng đơ, run giật chi, cúi gằm mặt, bất động trong thời gian 10-20 phút, hành động như hành động của người khác, nói những lời như của người khác và thường xuất hiện cơn khi có sự tập trung chú ý của những người xung quanh.
PGS Điển cho thông tin thêm, rối loạn phân ly là chứng bệnh tâm lý. Trước mắt, các cháu được quay trở lại đi học bình thường tuy nhiên gia đình và nhà trường cần theo dõi sát biểu hiện của các em. Hướng điều trị trong thời gian tới cho các em đó là tăng cường dinh dưỡng, cho các em vui chơi, hoạt động trong môi trường lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực, hạn chế gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ.
Các chuyên gia cũng đã hướng dẫn gia đình và thầy cô giáo một số điều cần lưu ý như cần coi trẻ như những trẻ bình thường, tránh gọi trẻ là “bị bệnh”, “bị ma làm”; quan sát hành vi thường ngày của trẻ từ xa, tránh vồ vập, quan tâm quá mức, không nên quá kỳ vọng vào trẻ. Khi thấy trẻ có xuất hiện tái phát cơn, cần có hướng xử trí kịp thời như tiêm placebo, châm cứu hoặc bấm huyệt.
Cũng trong buổi làm việc, qua thăm khám 99 học sinh còn lại ở điểm trường cho thấy các cháu phát triển bình thường, giao tiếp tốt, một số cháu bị viêm đường hô hấp nhẹ.