Chiều 14-12, bà Đặng Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), cho biết năm người bị mắc bệnh phải nhập viện gồm Phạm Văn Pa Rênh (53 tuổi), Phạm Thị E (47 tuổi), A Troa (17 tuổi, cùng ở thôn Tà Noát, xã Ba Ngạc, Ba Tơ), Phạm Thị Dách (27 tuổi, đang mang thai ở tháng thứ năm) và Phạm Thị Vị (chín tuổi, con gái chị Dách, cả hai cùng trú làng Dút 1, xã Ba Nam, huyện Ba Tơ).
Các trường hợp trên đều chung tình trạng có vết sừng thâm tím trên tay và chân, men gan cao, đề kháng yếu…
Khám cho bệnh nhân ở vùng xuất hiện "bệnh lạ".
Theo bà Phượng, căn bệnh này nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có khả năng khiến người bệnh nguy kịch. A Troa là bệnh nhân diễn biến xấu nhất khi bị suy hô hấp, men gan tăng quá cao. Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ phải chuyển khẩn cấp xuống BV đa khoa tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục điều trị.
Trước đó, căn bệnh này đã từng xuất hiện ở địa bàn huyện vào năm 2011 và 2012 khiến nhiều người chết. Không những thế trong năm 2013 và 2014 cũng có vài trường hợp mắc bệnh ở Ba Tơ và Sơn Hà (Quảng Ngãi).
Ngay sau khi phát hiện các ca bệnh nói trên, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi đã nhanh chóng vào cuộc khoanh vùng dập dịch. Tiến hành phun thuốc khử trùng, lấy các mẫu xét nghiệm để tìm hiểu về căn bệnh, tuyên truyền tránh để người dân hoang mang.
Cùng với đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cũng phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ tiến hành khử khuẩn, khám sàng lọc cho người dân ở nơi có người bị mắc bệnh. Sở cũng chỉ đạo thực hiện các nhóm giải pháp để kiểm soát bệnh.
Phun thuốc khử khuẩn ở vùng có dịch.
Theo ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, nếu phát hiện trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được điều trị, xử lý đúng cách và kịp thời.