Theo BHXH Việt Nam, tình trạng trục lợi BHXH diễn ra ngày càng phức tạp, với nhiều cách thức khác nhau. Một số bệnh viện ghi tên một dịch vụ kỹ thuật này thành dịch vụ kỹ thuật khác có giá thành cao hơn.
Cụ thể, “phẫu thuật cắt ruột thừa” ghi thành “phẫu thuật cắt ruột thừa có viêm phúc mạc”; "cắt u buồng trứng” ghi thành “cắt u buồng trứng cắm sâu trong tiểu khung”. Đặc biệt tại BV đa khoa TP Hà Tĩnh, siêu âm tuyến giáp thành siêu âm phần mềm vùng cổ + siêu âm hạch; BV Sản Nhi Nghệ An tách dịch vụ kỹ thuật siêu âm ổ bụng thành siêu âm ổ bụng + siêu âm ống tiêu hóa...
Bên cạnh đó, BV Sản Nhi Nghệ An xét nghiệm chỉ với các chẩn đoán viêm phế quản, viêm mũi họng... nhưng chỉ định đồng loạt các dịch vụ kỹ thuật như tìm mảnh vỡ hồng cầu bằng máy; tổng phân tích tế bào máu ngoại vi bằng máy; chụp X-quang tim, phổi calci, định lượng albumin...
Ngoài ra, quá trình kiểm tra cơ quan chức năng cũng phát hiện một số cán bộ đã lập hồ sơ khống để lấy thuốc tại Trạm Y tế xã Púng Tra và Trạm Y tế xã Bó Mười, huyện Thuận Châu (Sơn La). Tại Trà Vinh, nhân viên y tế lập khống hồ sơ thanh toán để lấy thuốc bảo hiểm y tế (BHYT, 236 bảng kê với tổng chi phí trên 27 triệu đồng). Tại BV Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), lập khống hồ sơ để trục lợi trên 26 triệu đồng. Đặc biệt tại Vĩnh Long, BS LTP (Trung tâm Y tế Nguyễn Văn Thủ) đã lập khống 272 lượt khám chữa bệnh với số tiền đề nghị cơ quan BHXH thanh toán gần 50 triệu đồng.
Để hạn chế việc trục lợi BHYT, BHXH Việt Nam cho biết thời gian tới sẽ hoàn thiện và ban hành các quy trình chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị. Xây dựng mức giá dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp với điều kiện, khả năng cung ứng của các cơ sở khám chữa bệnh. Nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý quỹ của tất cả các bên và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Thống kê năm tháng đầu năm 2017, tại 46 tỉnh, TP có 2.769 người khám từ 50 lần trở lên. Đa số các trường hợp khám tại bốn cơ sở y tế trở lên đều có tình trạng chỉ định trùng lặp, lạm dụng thuốc...