Bệnh nhân chết dọc đường, bệnh viện cũng có trách nhiệm

Chị được người nhà đưa vào bệnh viện hôm 29-8 trong tình trạng suy kiệt, nghi nhiễm HIV.

Theo ông Tuận, trong quá trình điều trị, bệnh viện đã làm hết trách nhiệm, nỗ lực điều trị cho bệnh nhân P. Sức khỏe của chị đã khá hơn so thời điểm nhập viện. Tuy nhiên, trong thời gian nằm bệnh viện, chị đã bị cảm khi đi tắm, sau đó sức khỏe suy giảm nhiều.

Về phía lãnh đạo khoa chuyên môn trực tiếp điều trị cho chị P. cho biết: Sáng 12-9, gia đình và bệnh nhân P. yêu cầu được ra viện. Khi người nhà và bệnh nhân đề nghị được ra viện, khoa cũng đã hỏi bệnh nhân về bằng gì thì gia đình nói là thuê xe ôm. Thời điểm ra viện, bệnh nhân P. vẫn đi và nói được, có mạch, huyết áp, tri giác bình thường. Vì thế bệnh viện đã đồng ý cho bệnh nhân ra viện, vì “Luật Khám chữa bệnh cũng quy định nếu bệnh nhân không hợp tác điều trị thì có thể cho bệnh nhân ra viện” - ông Tuận nói.

Tuy nhiên, theo ông Lò Văn Muôn - anh ruột của bệnh nhân P., gia đình xin cho chị P. ra viện vì thời điểm đó chị quá yếu, phải dìu mới đi được; và bệnh viện cũng nói là không chữa được nên gia đình xin cho chị về mất tại nhà. Vì gia đình không có tiền nên ông Muôn đã thuê xe ôm chở em gái về nhưng mới đi đến địa phận xã Hát Lót, huyện Mai Sơn thì sức khỏe chị P. yếu dần. Khi đến xã Nà Sản (cách bệnh viện khoảng 30 km) thì chị P. mất. Xe ôm không chở nữa nên ông Lò Văn Muôn đã bó chiếu và trực tiếp chở em gái bằng xe máy về quê lo hậu sự.

Về việc vì sao bệnh nhân yếu như vậy mà bệnh viện không cho xe cứu thương đưa về quê, ông Lò Văn Muôn cho biết vì ông không có tiền và cũng không được bệnh viện thông báo nên không biết, do vậy ông phải thuê xe ôm đưa em gái về. Trong khi đó, lãnh đạo khoa nơi điều trị cho chị P. lại khẳng định rằng trước khi cho chị P. ra viện, khoa đã bốn lần hỏi người nhà rằng có cần xe không thì gia đình nói không, sẽ đi xe ôm.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết về lý, việc giải quyết tình huống cho xe đưa bệnh nhân P. về quê là không có quy định. Nhưng về tình thì nên bố trí một xe đưa bệnh nhân về. Bệnh nhân rời bệnh viện 30 km là qua đời thì rõ ràng sức khỏe không bình thường. Chưa kể quãng đường từ bệnh viện về tới quê bệnh nhân là 121 km là quá dài. Chị P. là bệnh nhân nghèo cũng thuộc diện được hỗ trợ vận chuyển 0,2 lít xăng/km.

Ngày 15-9, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Sơn La chỉ đạo giám đốc BV Lao và Bệnh phổi tỉnh khẩn trương xác minh thông tin. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của bệnh viện, báo cáo kết quả xử lý về Cục Quản lý khám chữa bệnh trước ngày 23-9-2016.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới