Bệnh nhân 'khó chịu' về toa thuốc ở một bệnh viện

(PLO)- Bệnh nhân phản ánh khi khám bệnh tại bệnh viện xong không được nhận toa thuốc trực tiếp từ bác sĩ mà phải xuống nhà thuốc bệnh viện mua thuốc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh với Pháp Luật TP.HCM, nhiều bệnh nhân cảm thấy không hài lòng khi mua thuốc tại BV đa khoa Hồng Đức 3 (quận Gò Vấp, TP.HCM) vì họ không được nhận toa thuốc trước và toa thuốc có kèm “khuyến cáo” khó hiểu.

Khuyến cáo “lạ” đính kèm trong toa thuốc

Bà T (42 tuổi, ở quận Gò Vấp) cho biết sau khi được chẩn đoán mắc bệnh lý liên quan đến cột sống, bác sĩ (BS) bảo bà xuống nhà thuốc BV để nhận thuốc. Tuy nhiên, BS này lại không đưa toa thuốc cho bà.

“Tôi hỏi sao BS không đưa toa thuốc, BS nói toa thuốc được chuyển thẳng tới nhà thuốc BV qua hệ thống mạng” - bà T nói.

Tại nhà thuốc BV, toa thuốc của bà T được in ra và có ghi rõ số tiền. Tuy nhiên có một điều khác biệt là nhà thuốc BV còn đính kèm tờ giấy “lưu ý và khuyến cáo” cùng với toa thuốc.

Bà T thắc mắc: “Tại các BV khác, toa thuốc được BS in ra và đưa cho bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân muốn tới nhà thuốc trong hoặc ngoài BV mua thì tùy. Còn ở BV đa khoa Hồng Đức 3, toa thuốc được BS chuyển thẳng tới nhà thuốc BV thì chẳng khác nào ép người bệnh phải mua thuốc tại đây”.

Không chỉ vậy, trong tờ giấy “lưu ý và khuyến cáo” có nội dung: “Trong trường hợp bệnh nhân dùng đơn thuốc của BV ra ngoài mua ở các nhà thuốc bên ngoài thì BV và BS không chịu trách nhiệm bất kỳ tai biến nào xảy ra trong quá trình điều trị”.

toa thuốc
Người bệnh đang nhận thuốc tại nhà thuốc BV đa khoa Hồng Đức 3. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Tôi thấy khuyến cáo này chẳng khác nào hù người bệnh để họ phải mua thuốc tại BV. Người bệnh ra ngoài mua đúng toa của BS, khi sử dụng xảy ra sự cố thì BS phải chịu trách nhiệm. Khuyến cáo như thế chẳng khác nào phủi bỏ trách nhiệm của BS” - bà T bức xúc.

Tương tự, sau khi khám bệnh cho ông M (56 tuổi, ở quận Bình Thạnh), BS của BV đa khoa Hồng Đức 3 cũng bảo ông xuống nhà thuốc BV lấy thuốc.

Ông T cho biết: “Vừa tới nhà thuốc BV, nhân viên tại đây đưa tôi toàn bộ thuốc ghi trong toa. Trước tình huống này, tôi khó từ chối nên phải nhận thuốc và trả tiền. Trong khi con trai tôi là dược sĩ, cũng có nhà thuốc và có đủ thuốc ghi trong toa. Nếu BS đưa cho tôi toa thuốc thì tôi đỡ tốn khoản tiền khá nhiều do phải mua thuốc tại BV”.

Nhà thuốc BV cũng đưa ông M tờ giấy “lưu ý và khuyến cáo”. Trong đó có nội dung “nhà thuốc BV đạt tiêu chuẩn GPP (thực hành tốt nhà thuốc - PV). Bảo đảm sự an toàn, tin cậy cho người sử dụng”.

“Nhà thuốc con tôi cũng được Sở Y tế TP.HCM thẩm định và cấp chứng nhận đạt chuẩn GPP và được cơ quan chức năng kiểm tra hóa đơn, nguồn gốc. Khuyến cáo của BV đa khoa Hồng Đức 3 dễ khiến bệnh nhân nghĩ duy nhất nhà thuốc của BV này mới đạt chuẩn GPP” - ông M trải lòng.

BS sẽ đưa bệnh nhân toa thuốc để tự mua

Nói về vấn đề này, phó giám đốc một BV đa khoa ở TP.HCM cho biết toa thuốc thường được BS in và đưa cho bệnh nhân để họ tự mua, không bắt buộc phải mua tại nhà thuốc BV.

“Trong trường hợp bệnh nhân uống đúng toa thuốc BS cho nhưng chẳng may xảy ra tai biến thì cơ quan chức năng sẽ làm việc với nơi bán thuốc. Nếu nơi bán thuốc không sai phạm, cơ quan chức năng sẽ xem xét thuốc BS cho có phù hợp với bệnh lý của người bệnh hay không. Nếu không, BS cho toa thuốc sẽ chịu trách nhiệm” - vị này cho biết thêm.

Vị này chia sẻ thêm: “Nếu khuyến cáo thì nên khuyến cáo bệnh nhân mua đúng thuốc trong toa, uống đúng giờ, đúng liều. Trong trường hợp xảy ra những điều bất thường sau khi uống thuốc thì nên gặp BS”.

w-P13_toa-thuoc_h2.jpg
BV đa khoa Hồng Đức 3 đính kèm tờ giấy “lưu ý và khuyến cáo” cùng với toa thuốc khiến nhiều bệnh nhân không hài lòng. Ảnh: TRẦN NGỌC

Bà H, chủ một nhà thuốc, cho biết tất cả nhà thuốc trên địa bàn TP.HCM đều đạt chuẩn GPP do Sở Y tế TP.HCM chứng nhận. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng thường xuyên kiểm tra thuốc đang kinh doanh tại các nhà thuốc để ngăn chặn tình trạng mua bán thuốc giả.

“Theo tôi, nên khuyến cáo bệnh nhân mua thuốc tại các nhà thuốc có ghi chữ “đạt chuẩn GPP” trên bảng hiệu là đủ” - bà H nói.

Điều 11 Thông tư 52/2017 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 04/2022) của Bộ Y tế quy định về việc kê đơn thuốc có nêu rõ: Đơn thuốc được mua tại các cơ sở bán lẻ thuốc hợp pháp trên toàn quốc.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Hồng Phúc, Trưởng nhóm chăm sóc khách hàng BV đa khoa Hồng Đức 3, cho biết BV đưa ra những lưu ý và khuyến cáo nhằm mục đích giúp người bệnh sử dụng thuốc đạt chất lượng, đảm bảo điều trị mang lại hiệu quả tốt nhất.

“Tuy nhiên trước phản ánh của bệnh nhân, BV sẽ không gửi kèm tờ giấy “lưu ý và khuyến cáo” theo toa thuốc nữa. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân có nhu cầu mua thuốc bên ngoài thì BS sẽ in toa đưa cho bệnh nhân” - bà Phúc cho biết thêm.

BV đa khoa Hồng Đức 3 dừng sử dụng nội dung khuyến cáo

Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM chuyển những thông tin liên quan đến BV đa khoa Hồng Đức 3 tới Sở Y tế TP.HCM, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết đơn vị đã yêu cầu BV đa khoa Hồng Đức 3 báo cáo vụ việc. Theo đó, “BV đa khoa Hồng Đức 3 báo cáo sẽ không đính kèm tờ giấy “lưu ý và khuyến cáo” cùng với toa thuốc nữa” - ông Nam nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm