Chàng trai 35 tuổi vượt qua mặc cảm khuyết tật, mở công ty truyền thông

(PLO)- Anh Dương Đình Bảo, một trong 35 gương mặt được tuyên dương Tỏa sáng Nghị lực Việt cho biết, bản thân luôn mặc cảm với hai từ 'khuyết tật' nhưng đã nỗ lực vươn lên, mở công ty truyền thông.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-11, hội thảo Thực trạng và giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp với Chuyển đổi số đã diễn ra tại Hà Nội.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình Tỏa sáng Nghị lực Việt 2023 do Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam và Công ty TCP Việt Nam phối hợp tổ chức.

Là một trong 35 gương được tuyên dương năm nay, anh Dương Đình Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ quảng cáo B-ONE (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, bản thân bị khuyết tật vận động. Dù vậy, Bảo đã nỗ lực vươn lên, mở công ty truyền thông, quảng cáo, dạy thiết kế đồ họa online miễn phí bằng kênh Youtube B-One Multimedia.

Khuyết tật
Anh Dương Đình Bảo, một trong 35 gương được tuyên dương năm nay. Ảnh: ĐĂNG HẢI.

“Trước đây, tôi luôn mặc cảm với hai từ khuyết tật. Năm 2015, bị tai nạn, tôi hụt hẫng, sau đó đi xin việc nhưng rất khó khăn. Tôi thấy nếu người ta thương mình thì mới nhận, còn lại bị khuyết tật rất khó hoà nhập.

Năm 2016, tôi thành lập công ty về thiết kế đồ hoạ, tự chủ phát triển kinh tế và đào tạo, tạo việc làm cho những người đồng cảnh”- Dương Đình Bảo chia sẻ.

Tại đây, anh Trịnh Công Thanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật Việt Nam bày tỏ, trong cộng đồng người khuyết tật Việt Nam có nhiều người không kém gì diễn giả khuyết tật nổi tiếng Nick Vuijic.

Những tấm gương sáng ấy, cũng như kinh nghiệm mà các bạn thanh niên tiêu biểu trong chương trình Toả sáng nghị lực Việt chia sẻ, là kiến thức rất hữu ích cho các bạn trẻ khuyết tật nói riêng và các bạn trẻ nói chung trên con đường lập nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống cho rằng, hiện nay có hai vấn đề đặt ra trong lĩnh vực đào tạo, đó là cần nắm bắt được xu hướng của thị trường.

“Không phải chúng ta dạy gì mà phải xem thị trường cần gì để dạy. Không phải thị trường lao động cần gì hôm nay mà tương lai thị trường cần gì. Câu chuyện đào tạo cái gì rất quan trọng”-Chị Vân nói.

nguoi-khuyet-tat-mac-cam-voi-hai-tu-khuyet-tat-2.jpg
Một trong những tấm gương người khuyết tật được tuyên dương năm nay. Ảnh: ĐĂNG HẢI.

Bà Đinh Thị Thuỵ, Trưởng phòng người khuyết tật, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nêu thực tế, hiện nay, một bộ phận không nhỏ thanh niên khuyết tật đang phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với những người bình thường khác.

Theo bà Thuỵ, để không lãng phí nguồn nhân lực này, bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ đào tạo dạy nghề cho người khuyết tật ở các địa phương, trường lớp thì các công ty, tổ chức cũng cần chia sẻ thông tin về việc làm cho người khuyết tật.

“Hai bên cùng có sự trao đổi sẽ đạt được kết quả tốt nhất. Các trung tâm việc làm có thể tổ chức các chương trình như triển lãm sản phẩm của người khuyết tật, ngày hội việc làm... mở ra môi trường để cả người khuyết tật cũng như doanh nghiệp hiểu rõ về nhau hơn”- bà Thuỵ gợi mở.

Chương trình Tỏa sáng Nghị lực Việt 2023 diễn ra từ ngày 23 đến 24-11- 2023. Lễ tuyên dương các gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu diễn ra vào lúc 19 giờ ngày 24-11-2023 tại Hà Nội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm