Chiều 22-10, BS chuyên khoa 2 Âu Thanh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết BV này được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép ghép thận vào ngày 10-4-2020.
Ca ghép thận đầu tiên từ mẹ cho con gái được BV thực hiện vào ngày 1-6-2020.
“Tới thời điểm hiện tại, BV thực hiện 34 ca ghép thận từ người sống hiến. Trong đó, 33 ca có cùng huyết thống, 1 ca được bạn bè hiến. Đối với ca ghép thận từ bạn bè hiến, BV có công văn xin ý kiến Bộ Y tế, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và được hai đơn vị này đồng ý” – BS Tùng cho biết thêm.
Quy trình ghép thận được BV thực hiện chặt chẽ. BV không nhận người hiến thận sống đến đăng ký tự nguyện mà chỉ nhận người có cùng huyết thống với người được ghép thận.
Trong trường hợp khoa Nội Thận - Thận nhân tạo của BV tiếp nhận người có chỉ định ghép thận và người này giới thiệu người thân hiến thận thì cả hai phải có mặt cùng lúc tại BV. Khi đó, Trung tâm Điều phối ghép tạng của BV sẽ tiếp cận cả người nhận lẫn người hiến thận và đối chiếu giấy tờ tùy thân như hộ khẩu, căn cước công dân, đăng ký kết hôn…
“Bước tiếp theo, hội đồng tư vấn ghép tạng của BV gặp trực tiếp người hiến và người nhận để thẩm định mối quan hệ huyết thống, đánh giá đủ điều kiện ghép thận hay không và tư vấn, giải đáp các thắc của người hiến và người nhận thận. Trong trường hợp nghi ngờ, phòng công tác xã hội và bộ phận pháp chế của BV liên lạc với địa phương nhờ xác nhận mối quan hệ, giấy tờ…” – BS Tùng nói.
Năm 2020, BV phát hiện một trường hợp giả mạo giấy đăng ký kết hôn để ghép thận. Trong quá trình tiếp cận và thẩm vấn hai người xưng là vợ chồng (người chồng hiến thận cho người vợ), Trung tâm Điều phối ghép tạng của BV phát hiện con dấu giấy đăng ký kết hôn bị nhòe, mẫu giấy đăng ký kết hôn không giống mẫu đang lưu hành.
“Nghi ngờ, Trung tâm Điều phối ghép tạng của BV nhờ phòng công tác xã hội và bộ phận pháp chế liên hệ chính quyền địa phương xác minh. Kết quả giấy đăng ký hôn thú là giả, người hiến và người nhận thận không phải vợ chồng. Sau đó, BV trả hồ sơ và không thực hiện ghép thận” – BS Tùng thông tin.
Theo BS Tùng, sau khi đường dây mua bán thận ở TP.HCM bị phát hiện, BV Đại học Y Dược TP.HCM tăng cường giám sát quy trình ghép thận để tránh giả mạo hồ sơ ghép thận.
Mới đây, Pháp Luật TP.HCM đăng loạt điều tra Đường dây mua bán thận ở TP.HCM và đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
“Chân rết” đường dây này rải khắp từ Nam ra Bắc để tìm người có nhu cầu bán và mua thận. Người bán chỉ nhận được 300 triệu đồng trong khi người mua phải trả từ 1,2 tỉ đồng đến 1,5 tỉ đồng. Số tiền còn lại ngoài bỏ túi riêng, “trùm” mua bán thận còn dùng “bôi trơn” nhiều người, nhiều khâu để giả mạo giấy tờ.
Sau khi báo đăng, Công an huyện Bình Chánh và Công an TP.HCM vào cuộc. Bước đầu, cơ quan công an đã bắt giữ Bùi Tiến Lực, Trần Văn Phong và một người tên Hải để điều tra hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra.