Sáng 9-12, đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách và tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại năm 2019 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã báo cáo với đoàn và xin ý kiến nhiều vấn đề. Trong đó có nội dung liên quan đến việc hợp tác với Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược TP.HCM để đầu tư, thực hiện khám chữa bệnh tại BV đa khoa Vũng Tàu đang xây dựng tại phường 11, TP Vũng Tàu.
BV đa khoa Vũng Tàu được khởi công xây dựng từ năm 2011 (đường 2 Tháng 9, phường 11) trên tổng diện tích 57.600 m2, cao 12 tầng, quy mô 350 giường với 11 chuyên khoa. Tổng mức đầu tư cho BV này là hơn 1.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Mục tiêu xây BV đa khoa Vũng Tàu lúc đầu là để chuyển toàn bộ nhân sự, trang thiết bị từ BV Lê Lợi (BV công của TP Vũng Tàu) lên. Khu đất BV Lê Lợi sẽ được sử dụng vào mục đích khác.
Tuy nhiên, sau khi khởi công một thời gian, BV phải tạm dừng thi công vì những khó khăn về công tác GPMP, người dân khiếu nại việc thu hồi đất… Phải đến đầu năm 2017 BV mới được tiếp tục xây dựng. BV cũng được đầu tư thêm một khối nhà để tăng tổng số giường bệnh lên thành 500 giường. Tới nay, việc xây dựng phần thô BV cơ bản đã xong. Nhưng do có một số điều chỉnh nên dự kiến khoảng quý IV-2020 mới có thể hoàn thành.
BV đĐa khoa Vũng Tàu đang xây dựng. Ảnh: TK
Tuy nhiên, từ tháng 6-2019 Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đã có thông báo về việc thay đổi chủ trương hoạt động của BV đa khoa Vũng Tàu mới. Theo đó, Tỉnh ủy có buổi làm việc với Công ty CP Tổng hợp Dịch vụ Kỹ thuật Việt về việc hợp tác theo công tư (đầu tư công - vận hành tư) để khai thác, vận hành BV đa khoa Vũng Tàu mới.
Cụ thể, tỉnh sẽ ký hợp tác để công ty này khai thác, vận hành BV trên cơ sở đội ngũ y, bác sĩ, chuyên gia của BV ĐH Y Dược TP.HCM. Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh nghiên cứu, có ý kiến đối với ý tưởng, chủ trương trên để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó lưu ý đội ngũ khám chữa bệnh tại BV mới phải do đội ngũ y bác sĩ BV ĐH Y Dược TP.HCM tiến hành…
Từ đó tới nay UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức nhiều cuộc họp, giao Sở KH&ĐT, Sở Y tế nghiên cứu cơ chế để thực hiện ý tưởng này. Tuy nhiên, chưa thể “chốt” cách thức tiến hành do còn vướng cơ chế, pháp luật chưa quy định rõ ràng cho mô hình này. Các sở, ngành tại tỉnh nhận định “nếu làm, Bà Rịa- Vũng Tàu sẽ đi tiên phong cả nước”, do đó cần xin ý kiến các bộ, ngành trong đó có Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT trước khi trình Thủ tướng Chính phủ…
Cử tri TP Vũng Tàu, đội ngũ y bác sĩ BV Lê Lợi cũng từng có ý kiến băn khoăn, thậm chí chưa đồng tình với chủ trương này. Bởi từng có những dự án BV tư nhân ở Vũng Tàu nhưng không triển khai, hoặc nếu có giá dịch vụ sẽ rất cao.
Ngoài ra, BV Lê Lợi đã quá xuống cấp, khó đáp ứng nhu cầu khám, điều trị của người dân Vũng Tàu. Cán bộ công nhân viên chức BV Lê Lợi cũng mong chờ được chuyển qua cơ sở mới làm việc. Sau gần 10 năm chờ đợi, đến nay lại chuyển đổi cơ chế hoạt động... Tuy nhiên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhiều lần giải thích cơ chế chính sách mới sẽ tốt cho người dân, BV Lê Lợi mới cũng sẽ được đầu tư nâng cấp. Tỉnh mong muốn thực hiện chủ trương hợp tác công-tư như trên.
Dự án BV đa khoa Quốc tế Nhân Đức từ năm 2011 đến nay không triển khai nhưng mới dựng tấm biển để "giữ" đất. Ảnh: TK
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Lĩnh phân tích thêm: “BV Lê Lợi vẫn là BV công. BV đa khoa Vũng Tàu mới sẽ hợp tác công tư với BV ĐH Y Dược TP.HCM. BV ĐH Y Dược TP.HCM sẽ đưa các bác sĩ giỏi về để vận hành khám chữa bệnh, điều trị cho người dân Vũng Tàu.
Tuy nhiên, hiện nay BV ĐH Y Dược TP.HCM không thể ký trực tiếp với tỉnh BR-VT để vận hành bệnh viên mà phải thông qua một doanh nghiệp (DN). DN này sẽ trả tiền cho các bác sĩ và bỏ số tiền 500 tỉ đồng để chi trả trang thiết bị trong khi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cấp đất, xây phần thô của BV. 500 tỉ đồng DN nộp sẽ đưa lại để đầu tư cho BV Lê Lợi.
“Như vậy đây là vận hành theo mô hình cơ chế hợp tác công tư. Tuy nhiên, một năm nay chưa thể thực hiện vì không có cơ chế hợp tác như trên. Còn cho thuê BV đã xây thì gần như đây là BV tư hoàn toàn, giá dịch vụ sẽ rất cao…
BV Lê Lợi đã xuống cấp, khó đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh cho người dân Vũng Tàu.
Theo ông Lĩnh, việc hợp tác công tư như trên sẽ có lợi cho người dân. Thay vì phải về TP.HCM khám chữa bệnh sẽ có một BV cao cấp, chất lượng cao, bác sĩ giỏi điều trị ngay tại Vũng Tàu. Nếu nhà đầu tư mua đất, xin giao đất để tự xây dựng, thực hiện dự án thì chi phí khám chữa bệnh người dân phải “gánh” sẽ rất cao. Trong khi đó với hình thức hợp tác như trên, chi phí khám chữa bệnh sẽ giảm xuống còn một nửa…
Còn nếu vào BV Lê Lợi - đầu tư công hoàn toàn thì giá dịch vụ sẽ thấp hơn nữa, người dân có nhiều quyền lựa chọn, một là BV tư hoàn toàn, hai là BV công, ba là BV hợp tác công tư. Đây là việc phân khúc để giảm áp lực cho BV công. Nhưng BR-VT đã nghiên cứu cả năm, tiến hành nhiều cuộc họp nhưng đều không thể thực hiện vì chưa có quy định pháp lý cụ thể.
Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, trao đổi: “Có chính sách nhưng vướng một tí bởi trong nghị quyết của Ttrung ương có nói “không cổ phần hóa BV”. Nhưng đây không phải là cổ phần hóa. Tỉnh Long An đã từng làm. Hướng đi này là đúng và phù hợp. Cá nhân tôi ủng hộ và tôi tin Bộ Tài chính ủng hộ. Cần thiết các đồng chí có văn bản xin Thủ tướng, chúng tôi sẽ có ý kiến”.