Bệnh viện liên quan vụ Bio-Rad: 'Không đơn vị nào nhận hoa hồng'.

Ông Trí cho biết sau khi Bộ Y tế có yêu cầu các đơn vị báo cáo thông tin liên quan đến sản phẩm của Bio-Rad, ông đã chỉ đạo Phó viện trưởng kiểm tra hồ sơ đấu thầu và các hồ sơ liên quan để trình Bộ Y tế.

Vụ hối lộ của công ty Bio-Rad đang là tâm điểm của dư luận.

Theo ông Trí, Viện đã sử dụng sản phẩm của Công ty Bio-Rad liên tục từ 10 năm nay, từ năm 2005 đến nay. Các sản phẩm đa số cho sàng lọc máu như hóa chất sinh phẩm, thiết bị lọc máu. Tuy nhiên ông Trí cũng khẳng định Viện chỉ mua hóa chất sinh phẩm chứ không mua thuốc điều trị.

Ngoài ra, Viện cũng mua hóa chất của nhiều công ty cung cấp khác nữa. Tính trung bình trong 10 năm thì ngân sách của viện mua hóa chất và sản phẩm của Bio chỉ chiếm 7,8% tổng số tiền mua hóa chất sinh phẩm của viện.

Về nguồn vốn để mua sản phẩm của Bio-Rad, theo ông Trí có ba nguồn chính đó là vốn từ dự án xây dựng các trung tâm truyền máu trong cả nước cho Ngân hàng thế giới tài trợ từ năm 2003-2009.

Nguồn thứ hai là từ kinh phí của Viện, tiền quay vòng. Và có một số rất ít nguồn vốn từ dự án phòng chống HIV cho việc an toàn truyền máu.

“Tôi khẳng định tuyệt đối Viện chưa bao giờ mua trực tiếp sản phẩm của Công ty Bio-Rad. Từ năm 2005-2009 có nhiều dự án đấu thầu và Viện mua lại sản phẩm của từ các công ty khác. Viện đã mua lại các sản phẩm của 10 công ty trong vòng 10 năm. Các công ty này được cho phép kinh doanh tại thị trường Việt Nam” – ông Trí thông tin.

Ông Trí cho biết tổng số tiền đã mua sản phẩm của Bio-Rad qua các công ty kinh doanh tại Việt Nam là 70 tỉ 100 triệu đồng. Trong đó có thể kể đến năm 2004, 2008, 2009, Viện mua hệ thống eliza tự động, phân tích máu tự động hết hơn 2,3 triệu USD (bằng khoảng 40 tỉ đồng ở thời điểm đó). Năm 2010, Viện đã mua sáu máy eliza bán tự động qua các công ty tại Việt Nam.

Ông Trí khẳng định quy trình đấu thầu của Viện tuyệt đối tuân thủ các quy định của Nhà nước. Đối với các dự án tài trợ phải tuân thủ quy định của Ngân hàng thế giới, rất chặt chẽ, chắc chắn. Trong vòng 10 năm, đã có 13 đoàn kiểm toán quốc tế và trong nước cùng ba đoàn thanh tra của các Bộ Tài chính, Xây dựng, Thanh tra Chính phủ đến kiểm tra.

Nói về nghi vấn có 2,2 triệu USD bôi trơn để đưa máy vào bệnh viện. Ông Trí khẳng định: “Viện không có chuyện ấy. Tôi chịu trách nhiệm khi nói điều này. Tôi đã làm việc với các phòng, ban, đơn vị liên quan đến đấu thầu của Viện thì không đơn vị nào nhận hoa hồng. Tôi khẳng định tất cả các gói thầu không đơn vị nào nhận hoa hồng của Bio-Rad”.

Về việc văn phòng đại diện của Bio-Rad rút khỏi thị trường Việt Nam, ông Trí cho biết sắp tới, Viện không sử dụng sản phẩm của Công ty Bio-Rad nữa. “Không phải vì liên quan đến thông tin hối lộ mà kể cả không có thông tin hối lộ cũng không dùng nữa vì đã có công nghệ sàng lọc bằng hóa phát quang tự động. Công nghệ này có ưu điểm là tốt hơn, nhạy hơn công nghệ eliza; hơn nữa kết quả cũng nhanh hơn. Hiện tại, Viện có đến 85% chế phẩm được sử dụng lọc máu bằng công nghệ hóa phát quang” – ông Trí cho biết.

 

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong thời gian qua chưa có đơn vị nào phản ánh về chất lượng của sản phẩm Bio-Rad. “Ở đây là hình thức buôn bán, chiết khấu và hoa hồng, vấn đề là kiểm soát chuyện này như thế nào thôi” – bà Lan đặt vấn đề.

Theo bà Lan, trong cơ chế cạnh tranh, bên cạnh Bio –Rad còn rất nhiều công ty cung cấp thiết bị và vật tư y tế khác. Nếu hối lộ để đưa sản phẩm vào thì chắc chắn chuyện đó là sai. “Trong chuyện này thấy nước ngoài làm hiệu quả hơn mình, sự việc chìm xuồng từ năm 2010, nhưng mà thông qua hệ thống sổ sách và tìm ra khoản chi bất minh, người ta truy ngược lại nguồn gốc, không như nước mình, thậm chí thuế còn trốn nữa” – bà Lan nói.

Cũng theo bà Lan, bây giờ những vi phạm, những tiêu cực hết sức tinh vi cho nên phải huy động nhiều nguồn, hợp tác với nước ngoài để không xảy ra những nghi vấn tương tự. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm