“Thống kê cho thấy hơn 97% trong tổng số 10.000 ca đột quỵ hàng năm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đến bệnh viện (BV) trễ do quãng đường quá xa. Điều này khiến nhiều người tử vong hoặc tàn phế suốt đời”.
Ngày 20-2, TS-BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM kiêm Giám đốc BV Đột quỵ và Tim mạch Cần Thơ cho biết thông tin trên tại buổi lễ khánh thành BV này.
Theo TS-BS Cường, BV ra đời với mục đích tận dụng “thời gian vàng” để cứu sống bệnh nhân đột quỵ. Bên cạnh đó, do đặc thù khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhiều sông rạch nên BV cũng sẽ đưa ca nô vào hoạt động để chuyển bệnh nhân tới BV bằng đường thủy.
Ca nô sẽ được dùng để chuyển bệnh nhân đột quỵ đi cấp cứu. Ảnh: TRẦN NGỌC
TS-BS Cường cho biết thêm du khách trong và ngoài nước đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long khá nhiều. Chẳng may du khách rơi vào tình trạng đột quỵ thì BV sẽ can thiệp kịp thời.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho rằng bà con sống ở khu vục đồng bằng sông Cửu Long được hưởng lợi từ BV Đột quỵ và Tim mạch Cần Thơ bởi không phải di chuyển xa khi có bệnh.