Mới đây Bệnh viện (BV) Quân đội 108 (Hà Nội) tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam 57 tuổi được đưa vào BV trong tình trạng đau ngực, khó chịu, mệt mỏi. Người nhà bệnh nhân kể mặc dù khi đó mới 5 giờ sáng, nhiệt độ ngoài trời chỉ ở mức 10-11 độ C nhưng ông vẫn dậy và ra ngoài tập thể dục như bình thường.
Đang chạy bỗng nhiên bất tỉnh
Khi đang chạy ông cảm thấy khó chịu, mệt, ngực trái đau âm ỉ nên quay về nhà nằm nghỉ. Sau đó, do thấy xuất hiện nhiều cơn đau ngực tăng giảm bất thường nên ông được người nhà đưa vào BV 108. Tại đây, các bác sĩ (BS) chẩn đoán ông bị nhồi máu cơ tim cấp do tắc cấp tính động mạch vành bên phải. Sau khi được các BS cấp cứu nong, đặt stent động mạch vành, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Không chỉ ra ngoài vào thời tiết giá rét dễ bị đột quỵ, nhiều người ở trong nhà nhưng không giữ ấm đúng cách cũng vẫn có nguy cơ mắc bệnh này. Điển hình là trường hợp của nữ bệnh nhân tên N. (37 tuổi, ngụ Lạng Sơn), nhập viện trong tình trạng tím tái, khó thở khi đang ở trong nhà. Theo người nhà chị N., chị N. có tiền sử bệnh tim mạch. Sáng 2-1, chị mặc quần áo khá mỏng, chạy nhiều vòng trong nhà để làm ấm người. Đột nhiên chị thở gấp, co giật chân tay rồi bất tỉnh. Chị được đưa đến cơ sở y tế gần nhà cấp cứu, sau đó chuyển xuống BV Bạch Mai với chẩn đoán bị đột quỵ.
PGS-TS Mai Duy Tôn, Trưởng phòng Cấp cứu 1 BV Bạch Mai, cho biết tập thể dục là tốt cho sức khỏe, tuy nhiên người tập cần lựa chọn môi trường tập luyện phù hợp để không phản tác dụng. “Những ngày giá rét không nên dậy quá sớm và ra ngoài lúc 4-5 giờ sáng. Hãy tập thể dục muộn hơn vào lúc 8-9 giờ sáng hoặc 4-5 giờ chiều. Thay vì tập ngoài trời, có thể tập trong nhà kín gió, khi tập cũng phải vừa sức” - ông Tôn khuyến cáo.
Bệnh nhân đột quỵ đang điều trị tại BV Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: HẢI ÂU
Bệnh nhân đột quỵ tăng hơn 10 lần
PGS-TS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, cho biết bình thường mỗi ngày BV Bạch Mai chỉ tiếp nhận 3-4 trường hợp bệnh nhân đột quỵ. Tuy nhiên, chỉ trong bốn ngày nghỉ Tết dương lịch, thời tiết rét đậm, rét hại đã có khoảng 40 bệnh nhân đột quỵ trong tổng số 140 bệnh nhân được đưa đến khoa cấp cứu mỗi ngày.
Cũng theo PGS Chi, đột quỵ do nhiều yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, loạn nhịp tim, bệnh van tim... Khi trời lạnh sẽ gây co thắt mạch làm bất ổn các yếu tố nguy cơ là nguyên nhân gây đột quỵ.
Các BS cũng cảnh báo khi phát hiện người có dấu hiệu đột quỵ cần đặt nằm cao đầu. Trường hợp người bệnh bị nôn ói, rối loạn ý thức cần cho nằm nghiêng một bên, tránh sặc chất nôn. Ngoài ra, tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống bất cứ loại thuốc gì, kể cả nước lọc. Cố gắng đảm bảo thông thoáng đường thở cho bệnh nhân, lau sạch chất nôn, đờm dãi rồi nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng cách. Không nên lãng phí thời gian vàng bằng cách xoa bóp, bấm huyệt, chích nặn máu…
Trẻ mắc bệnh hô hấp gia tăng PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, cho biết mỗi ngày BV tiếp nhận gần 2.000 trẻ tới khám chữa bệnh. Trong đó, số bệnh nhi nhập viện do các bệnh về đường hô hấp gia tăng, chủ yếu là các bệnh viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa… |