Thời gian qua, song hành với chính sách thông tuyến BHYT, nhiều giải pháp đã được các bệnh viện (BV) vận dụng như cải thiện cơ sở hạ tầng, triển khai nhiều kỹ thuật điều trị mới đáp ứng nhu cầu người dân và thay đổi giao tiếp ứng xử. Một số BV đã cố gắng thay đổi hình ảnh thông qua cung cấp các dịch vụ tiện ích như dịch vụ giữ xe, mua sắm hàng hóa thiết yếu cho thân nhân và người bệnh, giặt giũ, thanh toán viện phí trực tuyến…
Từ bán BHYT đến nhà vệ sinh đạt chuẩn
“Cháu ơi, bác nghe nói BV mình có bán thẻ BHYT phải không?” - bà Nguyễn Thị Th. (54 tuổi) hỏi cô nhân viên phòng chăm sóc khách hàng BV quận 2 (TP.HCM) đang lúi húi ghi ghi chép chép.
“Dạ, cô ngồi ghế đi, để cháu hướng dẫn cho”. Nói rồi cô nhân viên lại gần người phụ nữ chỉ dẫn rõ ràng hồ sơ mua BHYT. Những thắc mắc của bà Th. đều được cô nhân viên giải thích cặn kẽ. “Tụi cháu làm việc suốt ngày, đủ giấy tờ cô mang tới để tụi cháu làm thẻ cho” - cô nhân viên nhỏ nhẹ.
“Nhà có hai mẹ con và đứa cháu ngoại. Con gái bận bịu buôn bán nên không có thời gian. Vài lần tôi ra phường để hỏi mua BHYT cho cả nhà nhưng luôn gặp trục trặc. Lúc thì phường trả lời nhân viên bán BHYT chưa đến, khi thì nói hôm nay chưa tới đợt bán BHYT. Có lần may mắn tôi gặp được cô bán BHYT và cũng được hướng dẫn thủ tục, hồ sơ. Thế nhưng khi tôi mang ra nộp thì cô ta lại không có mặt. Riết tôi đâm nản” - bà Th. chia sẻ.
BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, cho biết nhiều người ủng hộ dịch vụ bán BHYT tại BV. Có người đến khám bệnh sẵn dịp mua BHYT luôn, không phải ra phường tốn thời gian.
Trong những nỗ lực xây dựng cảnh quan môi trường BV xanh - sạch - đẹp đáp ứng nhu cầu chính đáng của người bệnh, thân nhân và của chính nhân viên y tế, nhiều BV đã cố gắng thay đổi “gương mặt” của mình. Như thiết kế sân vườn, cây xanh, lắp đặt thùng rác công cộng đến cải tạo nhà vệ sinh…
Tại BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM), vừa bước khỏi nhà vệ sinh, ông Lê Văn Tạo (Bình Phước) nói với giọng vui vẻ: “Tôi có người nhà đang nằm ở phòng hồi sức, phải ở lại chăm sóc lâu ngày. Nói thiệt mỗi lần nhắc tới nhà vệ sinh ở BV là tôi ám ảnh bởi mùi hôi, lại hay thiếu nước. Hôm nay lần đầu đi vệ sinh ở đây tôi thấy sạch sẽ quá”.
Theo BS Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, gần đây BV đã xây mới khu nhà vệ sinh đạt chuẩn để phục vụ miễn phí thân nhân người bệnh. Giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay… cũng để sẵn. BV còn phân công nhân sự dọn dẹp thường xuyên nên nhà vệ sinh sạch sẽ, thân nhân người bệnh đều hài lòng. “Trước đây, bệnh nhân vào tới cửa phòng cấp cứu mới được nhân viên y tế chạy ra đưa vào. Do vậy hơi chậm thời gian. Nay BV gắn camera ngay cổng, nhân viên phòng cấp cứu có thể vừa làm việc vừa theo dõi qua màn hình. Khi thấy xe chở bệnh nhân tới cổng, nhân viên y tế nhanh chóng đẩy băng ca và đứng đợi trước cửa phòng cấp cứu” - BS Trí trình bày thêm một mô hình phục vụ bệnh nhân.
Nhân viên của BV Xuyên Á Củ Chi (TP.HCM) hướng dẫn người bệnh. Ảnh: T.NGỌC
WiFi, nước uống và photocopy miễn phí
Tại BV quận Thủ Đức, vừa lấy nước nóng để pha sữa, bà Nguyễn Thị Em (46 tuổi) vừa nói: “Tôi đang chăm sóc đứa con bị bệnh được một tuần. Mấy hôm đầu không biết nên tôi phải bỏ tiền mua mấy chai nước khoáng trước cổng BV hết 20.000 đồng. May BV có nước uống miễn phí nên mỗi ngày tiết kiệm được chục ngàn đồng, lại không phải trèo lên trèo xuống cầu thang. BV nào cũng làm được như BV này thì bệnh nhân và người nhà đỡ biết mấy”.
Từ đầu năm 2016 đến nay, BV quận Thủ Đức (TP.HCM) đã cho lắp đặt nhiều máy nước uống miễn phí tại các khoa, phòng để phục vụ bệnh nhân và người nhà. Ngoài ra, BV còn bố trí kệ đựng cà phê, trà, thùng đá, kể cả ly nhựa và muỗng tại khu vực hành chính để bệnh nhân và người nhà giải khát trong thời gian chờ làm thủ tục.
BS Nguyễn Lan Anh, Phó Giám đốc BV quận Thủ Đức, cho biết bệnh nhân tới BV luôn trong tâm trạng lo lắng, mệt mỏi. Do vậy, BV phải mang đến cho bệnh nhân sự hài lòng để họ cảm thấy thoải mái. “Trước mắt, BV phục vụ bệnh nhân và người nhà một số dịch vụ miễn phí như WiFi, phôtô, nước uống, nước giải khát… Chúng tôi đang nghĩ tới việc chuyển miễn phí bệnh nhân nghèo về nhà sau khi xuất viện” - BS Lan Anh cho biết thêm.
Để tạo môi trường thân thiện tại nơi khám chữa bệnh, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các BV tổ chức khảo sát nhu cầu thực tế về các dịch vụ tiện ích cần thiết phục vụ người bệnh và thân nhân trong thời gian lưu trú tại BV. Ưu tiên triển khai các loại hình dịch vụ tiện ích phục vụ cho số đông người bệnh và thân nhân có nhu cầu sử dụng khi đến BV như xe đưa đón người bệnh, dịch vụ giữ xe, phôtô, dịch vụ mua sắm vật dụng cần thiết, ăn uống, nhà vệ sinh, giặt giũ, WiFi, sạc điện thoại… Ông NGUYỄN TẤN BỈNH, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Chúng tôi thực hiện nhắn tin vào 11 giờ 30 đối với những bệnh nhân đăng ký khám buổi sáng sớm và 17 giờ đối với bệnh nhân khám trễ hơn, đồng thời rà soát những bệnh nhân xuất viện để gọi điện thoại hỏi thăm và hỗ trợ họ nếu cần. Việc cảm ơn và tiếp nhận phản ánh ngay giúp bệnh nhân giải tỏa được bức xúc và cũng giúp BV kịp thời điều chỉnh những sai sót. Bà NGUYỄN THỊ MỸ CHÂU, |