Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, chị Trâm (28 tuổi, ở huyện Châu Thành, Tây Ninh) không hài lòng và xót xa khi mỗi ngày nhìn mẹ mình 50 tuổi phải chịu đau đớn sau khi gặp tai biến trong quá trình phẫu thuật.
Bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật thêm nhiều đợt
Theo chị Trâm, ngày 12-11, mẹ chị do đau âm ỉ vùng bụng nên chị đưa mẹ tới Bệnh viện (BV) đa khoa Tây Ninh khám. BV chẩn đoán mẹ chị bị sỏi niệu quản bên trái nên bác sĩ (BS) chỉ định điều trị nội soi lấy sỏi, người phẫu thuật là BS VTN (Khoa cấp cứu chuyên khoa niệu).
“Trong quá trình nội soi lấy sỏi, các BS phẫu thuật đã gây ra sự cố và tự ý chuyển sang phương pháp mổ hở nhưng không báo cho gia đình tôi biết” - chị Trâm nói thêm.
Sau mổ, sức khỏe mẹ chị Trâm giảm sút nghiêm trọng do tai biến gây ra. BS cho biết mẹ chị Trâm phải phẫu thuật thêm nhiều đợt để phục hồi sức khỏe. “Điều đáng nói do BV để xảy ra tai biến nên hiện giờ mẹ tôi luôn phải mang bịch nước tiểu bên người, ảnh hưởng không ít đến sinh hoạt hằng ngày” - chị Trâm than thở.
Ngày 15-11, mẹ chị Trâm được BV đa khoa Tây Ninh chuyển lên BV Bình Dân TP.HCM để điều trị tiếp.
Lãnh đạo Bệnh viện Tây Ninh cho rằng ca tai biến của mẹ chị Trâm là rủi ro nghề nghiệp đáng tiếc. Ảnh: TRẦN NGỌC
Bác sĩ N. tạm ngưng mổ để ổn định tinh thần
BS Liêu Chí Hùng, Giám đốc BV đa khoa Tây Ninh, cho biết đúng là ban đầu mẹ chị Trâm được chỉ định nội soi lấy sỏi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, BS phát hiện bệnh nhân có cấu trúc bất thường đường niệu nên phải chuyển sang mổ hở. “Tuy nhiên, việc thay đổi phương pháp nói trên không phải nguyên nhân gây ra tai biến” - BS Hùng cho biết thêm.
Theo BS Hùng, cấu trúc bất thường ở bệnh nhân là có một lỗ niệu quản lệch trái. Trong quá trình nội soi thăm dò tìm sỏi, ống nội soi vướng vào niệu quản. Do BS N. cố rút ống nội soi nên làm tổn thương niệu quản và gây ra tai biến. “Do vậy, BS phải xử lý bảo tồn hai đầu niệu quản bị tổn thương và dẫn lưu nước tiểu ra ngoài” - BS Hùng nói.
PV đặt câu hỏi: “Trước khi nội soi lấy sỏi phải thực hiện các bước cận lâm sàng. Chẳng lẽ thiết bị không phát hiện được cấu trúc đường niệu bất thường của mẹ chị Trâm?”. BS Hùng cho rằng thiết bị có những giới hạn, phương tiện chẩn đoán hình ảnh tại BV đã không phát hiện được bất thường.
BS Hùng bày tỏ sự chia sẻ khi cho rằng bệnh nhân vào BV để mổ lấy sỏi thận bên trái nhưng hiện giờ bị hai vết mổ bên phải lẫn bên trái, lại mang bên mình bịch nước tiểu, sau này còn phải mổ lại vài lần. “Nếu nói BV không sai thì cũng khó nghe. Tuy nhiên, đây thực sự là rủi ro nghề nghiệp hiếm khi xảy ra. BV thành thật xin lỗi gia đình bệnh nhân vì đã để xảy ra tai biến” - BS Hùng chia sẻ.
BS Hùng cho biết sau khi sự cố nói trên xảy ra, BV đã tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm và yêu cầu phải rà soát thủ tục hội chẩn trước mổ. Nếu cần thì bổ sung hoặc làm thêm những công đoạn cần thiết để ngăn ngừa những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
“Sau khi để xảy ra tai biến, BV đã chuyển bệnh nhân lên BV Bình Dân để xử lý. BV cũng cử BS lên BV Bình Dân để báo cáo, trao đổi những việc đã làm trong quá trình phẫu thuật lấy sỏi thận để phối hợp, xử lý triệt để và tốt nhất cho bệnh nhân” - BS Hùng cho biết.
“BS N. hiện đang sốc tinh thần sau khi để xảy ra sự cố không mong muốn. BV đã tạm ngưng phân công BS N. phẫu thuật các ca liên quan niệu để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân” - BS Hùng thông tin.
Tổn thương niệu quản là một trong những tai biến của nội soi tán sỏi. Khi xảy ra tai biến này thì xử lý bằng cách dẫn lưu nước tiểu ra ngoài để tránh nước tiểu vào ổ bụng. Tuy nhiên, thời gian phục hồi sẽ kéo dài nhiều tháng sau đó. GS-TS-BS TRẦN NGỌC SINH, Chủ tịch Hội niệu-thận học TP.HCM |