TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ Võ Quốc Anh và Nguyễn Thành Thi bị truy tố về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Đáng chú ý, trong vụ án này, bị cáo Anh đã có hành vi bỏ chạy khỏi hiện trường sau khi gây ra tai nạn.
Bỏ chạy để trốn trách nhiệm
Theo hồ sơ, trưa 23-6-2018, tại quận Tân Bình, TP.HCM, bị cáo Võ Quốc Anh điều khiển xe máy lưu thông trên đường Bảy Hiền, hướng từ Phạm Phú Thứ về vòng xoay Lý Thường Kiệt. Lúc này, xe của Anh xảy ra va quẹt với xe máy do ông T. đang lưu thông cùng chiều bên phải làm ông T. ngã ra đường.
Cùng lúc, ô tô tải do bị cáo Nguyễn Thành Thi đang lưu thông theo chiều ngược lại cán qua người ông T. ở vị trí bánh sau, làm ông này tử vong tại bệnh viện sau đó. Riêng bị cáo Anh sau vụ tai nạn đã điều khiển xe rời khỏi hiện trường.
Công an quận Tân Bình rà soát camera tại hiện trường ghi nhận diễn biến toàn bộ vụ tai nạn giao thông, xác định được biển số xe máy do Anh điều khiển và mời về trụ sở làm việc.
Hiện trường tai nạn giao thông được dựng lại vào ngày 29-6-2018. Quá trình điều tra, Anh khai nhận khi đang chuyển hướng sang phải thì nghe phía sau có tiếng va chạm nhẹ làm xe của bị cáo hơi chao đảo, sau đó thì nghe tiếng xe ngã phía sau. Anh chạy một đoạn, dừng xe lại và quay đầu lại thì nhìn thấy ông T. đang nằm dưới đường phía sau xe tải.
Do hoảng loạn và sợ bị đánh nên Anh đã chạy xe thẳng về nhà. Còn bị cáo Thi khai nhận có nghe tiếng va chạm ngã xe bên hông trái xe của Thi và nhận thấy bánh xe sau tưng lên. Thi thắng lại thì nhìn thấy ông T. đang nằm sau xe và đã đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Cáo trạng của VKSND quận Tân Bình xác định hành vi của Anh điều khiển xe máy vượt lên, sau đó chuyển hướng bất ngờ gây tai nạn. Sau khi gây tai nạn đã rời bỏ khỏi hiện trường. Hành vi của Anh đã cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thuộc trường hợp “bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm” theo điểm c khoản 2 Điều 260 BLHS 2015; sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Thi điều khiển ô tô vượt trái quy định, mặc dù dải phân cách không liên tục được phép mượn đường nhưng thiếu quan sát, đã cho xe vào phần đường nhưng đuôi xe vẫn còn lấn 40 cm. Hành vi của Thi thuộc trường hợp “làm chết người” theo điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS 2015; sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Không cố tình bỏ đi?
Ngày 16-7-2019, TAND quận Tân Bình xử sơ thẩm, các bị cáo Anh và Thi thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Về trách nhiệm dân sự, hai bị cáo đã bồi thường 70 triệu đồng nên gia đình nạn nhân đã làm đơn bãi nại.
HĐXX nhận định các bị cáo đã có hành vi không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ. Bị cáo Anh điều khiển xe máy tránh ô tô tải phía trước đã không quan sát phía sau, va quẹt với đầu xe máy của ông T. làm nạn nhân ngã. Bị cáo đã không ở lại hỗ trợ đưa ông T. đi cấp cứu mà rời khỏi hiện trường.
Bị cáo Thi vượt xe cùng chiều trái quy định, thiếu quan sát đã cán phải ông T. Từ đó HĐXX tuyên phạt Anh hai năm sáu tháng tù, Thi một năm tù. Sau đó hai bị cáo đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.
Mới đây TAND TP.HCM xử phúc thẩm, đại diện VKS đề nghị tòa tuyên giữ nguyên án sơ thẩm.
Luật sư bào chữa cho Anh lập luận bị cáo không rời hiện trường để trốn tránh trách nhiệm vì nhận thức của Anh là có tai nạn nhưng nghĩ hậu quả không nghiêm trọng nên mới bỏ đi. Vì vậy, việc tòa sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 260 BLHS là chưa phù hợp. Bị cáo Anh cũng khai sau khi va chạm có thấy ông T. nằm phía sau xe tải nhưng nghĩ chỉ bị té xuống đường, không ý thức được hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư bào chữa cho Thi thì đề nghị miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo vì chỉ phạm tội với lỗi vô ý. Gia đình nạn nhân có đơn bãi nại, khi gây tai nạn Thi cũng chủ động ở lại hiện trường đưa nạn nhân đi cấp cứu. Cạnh đó, VKS xác định Thi vượt xe đúng quy định, việc gây tai nạn một phần do không quan sát, phần nữa do Thi không thể phản ứng kịp...
Chỉ giảm nhẹ hình phạt HĐXX phúc thẩm nhận định cấp sơ thẩm xử đúng người, đúng tội, không oan sai. Thời điểm xảy ra tai nạn, Anh nhận thức được bị hại bị nguy hiểm tới tính mạng nhưng vẫn bỏ đi nên cấp sơ thẩm áp dụng điểm c khoản 2 Điều 260 BLHS là phù hợp. Tuy nhiên, Anh có tình tiết giảm nhẹ mới là lao động chính trong gia đình, gia đình nạn nhân có đơn đề nghị cho Anh hưởng án treo nên giảm hình phạt cho Anh từ hai năm sáu tháng tù còn một năm sáu tháng tù (giảm một năm). Đối với Thi, HĐXX cho rằng Thi không cung cấp được tình tiết gì mới nên giữ nguyên hình phạt. |