Bí ẩn ngọn núi nhân tạo mọc giữa đồng

Từ sáu năm nay, một ngọn núi nhân tạo dần dần mọc lên trên một khu đất trồng lúa rộng khoảng 2 ha thuộc ấp Trà Ban 2, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Đến nay, nó đã to như ngọn giả sơn ở Suối Tiên, có thể dễ dàng nhìn thấy từ quốc lộ 1A. Xung quanh khuôn viên, nhiều hạng mục trông giống một khu du lịch cũng đang được xây dựng.

Khu ấy là khu gì?

Theo người dân ấp Trà Ban 2, từ năm 2010, một người đàn ông thường gọi là Nghìn Hán, đến từ Sóc Trăng tới đây mua gom rất nhiều đất ruộng của nông dân rồi xây tường rào bao bọc bên ngoài. Phía trong, ông ta xây nhiều nhà cửa, đồng thời làm một ngọn núi giả cao bằng nhà năm tầng.

Nhìn từ bên ngoài ai cũng nghĩ đó là khu du lịch, tương tự Khu du lịch Suối Tiên ở TP.HCM. Thế nhưng công trình của ông Nghìn Hán lại không mở cửa đón khách, không có biển hiệu, biển báo gì cả, càng gây tò mò cho người dân địa phương.

Trong ba ngày qua, chúng tôi lân la tìm hiểu và thấy mỗi người dân địa phương có một cách hiểu khác nhau về công trình này. Theo ông Trần Văn Luận, Bí thư chi bộ ấp Trà Ban 2, công trình được xây dựng để làm nơi nghỉ dưỡng cho gia đình ông Nghìn Hán. Anh Hồ Trọng Tuấn, cán bộ UBND xã Châu Hưng A, lại bảo đó là trang trại. Còn bà chủ quán Thanh Thảo đối diện với công trình này khẳng định đó là khu du lịch đang xây dựng nên chưa mở cửa đón khách.

Chúng tôi định vào bên trong tìm hiểu thì bị hai bảo vệ chặn lại. Chúng tôi gọi điện thoại cho ông Nghìn Hán hỏi thăm về công trình này, ông thẳng thừng nói: “Không cần thiết. Tôi không cho anh vô được vì công trình xây dựng chưa xong. Tôi cũng không muốn ai chụp ảnh đăng báo gì cả”.

Ngọn núi đồ sộ và nhiều hạng mục xung quanh đang bị tình nghi xây dựng không phép ở Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Ảnh : TRẦN VŨ

Chuyện nhạy cảm, chưa cung cấp được

Được biết một tháng trước, sau khi nhận được báo cáo của UBND huyện Vĩnh Lợi, UBND tỉnh Bạc Liêu đã cử một tổ kiểm tra xuống để kiểm tra công trình của ông Nghìn Hán.

Ông Lê Thanh Hùng, Chánh Văn phòng UBND huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Chúng tôi đã báo cáo thực trạng công trình và tình hình dư luận cho tỉnh để xin ý kiến xử lý. Nhưng do đây là vấn đề nhạy cảm, lại chưa xin ý kiến của chủ tịch huyện nên tôi chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí”. Tuy nhiên, ông Hùng tiết lộ qua kiểm tra phát hiện ngọn núi ở Trà Ban 2 được xây không phép.

Tương tự, ông Huỳnh Quốc Ca, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu, tổ trưởng tổ kiểm tra của tỉnh, cũng cho biết đã báo cáo kết quả kiểm tra cho lãnh đạo tỉnh. Với lý do UBND tỉnh chưa có kết luận chính thức, ông Ca cũng từ chối cung cấp thông tin. Ông chỉ tiết lộ rằng công trình có sai phạm và Sở đã có đề xuất hướng xử lý.

Chúng tôi tìm đến UBND tỉnh Bạc Liêu nhưng bộ phận văn phòng chỉ hứa sẽ sớm trả lời. Chúng tôi gọi nhiều lần vào điện thoại cá nhân của người phát ngôn UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Nguyễn Tấn Khương, nhưng ông không nghe máy.  Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cũng không nghe máy và không trả lời tin nhắn.

Chúng tôi gọi điện thoại tiếp cho Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi, ông Trương Văn Nhớ. Ông Nhớ trả lời bận họp suốt ngày và tắt máy.

Khi mua lại đất trồng lúa của nông dân, ông Nghìn Hán có làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước khi xây dựng công trình? Nghe câu hỏi này, ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó phòng TN&MT huyện Vĩnh Lợi (không có trưởng phòng), nói: “Anh thông cảm. Vụ này nhạy cảm, liên quan đến nội bộ nên chúng tôi chưa thể cung cấp thông tin khi chủ tịch chưa cho phép”.

________________________________

Xã từng lập biên bản sử dụng đất sai mục đích

Năm 2010, khi công trình bắt đầu khởi công, chúng tôi đã đến kiểm tra, lập biên bản vi phạm về hành vi sử dụng đất sai mục đích. Do mức độ vi phạm lớn, vượt thẩm quyền nên chúng tôi chuyển hồ sơ đề nghị huyện xử phạt.

Sau đó vài tháng, công trình này có giấy phép làm trang trại nên không thuộc thẩm quyền của chúng tôi nữa. Về ngọn núi, phía huyện nói chủ công trình xây để nuôi chim yến, trong phạm vi được phép của trang trại.

Ông HỒ TRỌNG TUẤN, cán bộ địa chính xây dựng xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm