Bị ảnh hưởng COVID-19, ngành gỗ vẫn tăng trưởng 30% so với năm trước

Báo cáo tại hội thảo về phục hồi trong bối cảnh bình thường mới do Bộ NN&PTNT phối hợp Hiệp hội Gỗ và Lâm sảm Việt Nam (Viforest) tổ chức sáng 29-10 cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,76 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Nếu tính thêm nửa đầu tháng 10, con số lũy kế là 11,5 tỷ USD và 0,7 tỷ USD lâm sản ngoài gỗ. Các mặt hàng xuất khẩu nhiều gồm đồ gỗ đạt 4,83 tỷ USD, ghế ngồi đạt 2,68 tỷ USD, dăm gỗ đạt 1,33 tỷ USD, viên nén đạt gần 300 triệu USD...

Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: AH

Kinh nghiệm tốt, cách làm hay

Tốc độ tăng trưởng này có được là do ngành gỗ Việt Nam có tiềm năng rất tốt, những năm qua liên tục tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, khi đại dịch bủng nổ ở TP HCM và các tỉnh phía Nam - nơi các doanh nghiệp gỗ lớn đóng đô, thì nhiều công ty đã chủ động, sáng tạo để hạn chế tối đa nguy cơ đứt gãy sản xuất.

Như chia sẻ của ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Ván ép CKXD Nhật Nam, từ trước khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, DN này đã chủ động lên phương án, kịch bản đề phòng rủi ro, đảm bảo duy trì sản xuất.

Chẳng hạn, bộ phận vận chuyển vận tải thuê bên ngoài để tách biệt hoàn toàn với nhà máy. Nguyên liệu, vật tư để đảm bảo sản xuất được mua sắm trước ở mức nhu cầu hoạt động 3-5 tháng. Lên danh sách các khách hàng, nhà cung cấp quan trọng, hỗ trợ họ về tài chính, đặt đơn hàng dài hạn để họ yên tâm tập trung sản xuất, cung ứng...

Đánh giá về tình hình hậu giãn cách, chuyển sang bình thường mới, thích ứng linh hoạt, an toàn với COVID-19, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends, cho biết kết quả khảo sát 131 DN ngành gỗ với các quy mô khác nhau trong tháng 10 cho thấy chỉ còn khoảng 8% số DN dừng hoạt động.

Trong số 92% kia, nhiều DN cho biết đã phục hồi được hơn 70% công suất hoạt động. Đây là tín hiệu tích cực trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh của ngành gỗ. Tuy nhiên, để các DN phục hồi nhanh nhất thì cần giải quyết được các vướng mắc về y tế, lao động và nguồn nguyên liệu hiện nay.

Vẫn là câu chuyện của Công ty TNHH Ván ép CKXD Nhật Nam, Giám đốc Nguyễn Minh Nhật cho biết sau gần 4 tháng vận hành sản xuất theo mô hình ba tại chỗ, DN này chỉ duy trì được 60% lực lượng lao động.

"Cũng như các DN khác, chúng tôi đang thiếu công nhân trầm trọng” – ông Nhật nói, và cho biết công ty đã mua sắm máy móc từ cách đây hai, ba tháng để tăng năng suất và chất lượng, thay thế lượng lao động thiếu hụt.

Thách thức bình thường mới

Tại hội thảo, các ý kiến đều bày tỏ lo ngại về chi phí nguyên vật liệu đang tăng không kiểm soát. Trong bối cảnh đó, các DN không thể tăng giá bán ngay vì còn phải hỗ trợ khách hàng. Vậy nên, chuyển sang bình thường mới, khó khăn đang chồng chất khó khăn.

Nguyên vật liệu ngành gỗ tăng giá gây ra nhiều khó khăn cho DN. Ảnh: AH

Lý giải về nguy cơ chi phí đầu vào tăng, ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu cho biết cả hai nguồn cung nguyên vật liệu là trong nước và nhập khẩu đều đang rất khó khăn, phần vì ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch, phần khác do giá cước vận tải tăng.

Vậy giải pháp của các DN trong hiệp hội là gì? Ông Hà gợi ý: "Nếu chúng ta muốn chủ động hơn về nguồn nguyên liệu thì nên tập trung với nhau thỏa thuận mua những rừng gỗ lớn để có giá ổn định từ giờ đến mùa cắt gỗ".

Nói vậy, nhưng CEO của Tân Vĩnh Cửu cũng đánh giá giải pháp này là không đơn giản, bởi cần nguồn vốn rất lớn. Nếu quyết tâm thì các DN phải ngồi với nhau, lên kế hoạch mua nguyên liệu chủ động, và phải có hỗ trợ của các cơ quan tài chính.

Từ các trao đổi tại hội thảo, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest đánh giá ngành gỗ Việt đang trên đà phục hội và có cơ hội rộng mở ở thị trường. Các DN đã và đang tích cực, chủ động để thích ứng với điều kiện mới.

Tuy nhiên, ngành gỗ cũng đang đứng trước một số khó khăn lớn, nhất là giá thành sản xuất có thể cao hơn với các doanh nghiệp hoạt động tại hoặc sát thị trường tiêu thụ lớn châu Âu, rồi cạnh tranh của DN Trung Quốc... Điều này đòi hỏi DN cần có những chiến lược mới về thị trường, chủng loại sản phẩm, công nghệ và lao động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm