Bị áp xe bụng sau tiêm thuốc tan mỡ tại thẩm mỹ viện

(PLO)- Sau tiêm tan mỡ một tuần, vùng bụng, hông, đùi của người phụ nữ 49 tuổi nổi nhiều nốt đỏ, sưng, cứng và được chẩn đoán bị áp xe bụng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Bị áp xe bụng sau tiêm thuốc tan mỡ tại thẩm mỹ viện

Ngày 23-12, Bệnh viện (BV) Da Liễu TP.HCM thông tin, khoa Thẩm mỹ da của BV vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị áp xe sau tiêm tan mỡ hai tháng.

Bệnh nhân là nữ, (49 tuổi) đến BV khám trong tình trạng vùng bụng, hông, đùi xuất hiện nhiều nốt đỏ, viêm và chảy mủ. Được biết trước đó hai tháng, người này đến cơ sở thẩm mỹ ở quận 10 để tiêm tan mỡ.

Sau tiêm một tuần, vùng bụng, hông, đùi của người này nổi nhiều nốt đỏ, sưng, cứng. Theo hướng dẫn của nhân viên thẩm mỹ viện, bệnh nhân ra nhà thuốc mua kháng sinh để uống nhưng tình trạng không cải thiện. Sau đó người này liền quay lại cơ sở thực hiện và được cơ sở này giới thiệu qua một phòng khám khác để chích thuốc, rạch các nốt viêm rút mủ. Tuy nhiên tình trạng vẫn không cải thiện, các ổ mủ xuất hiện dày đặc hơn, sưng, mưng mủ gây đau.

Bệnh nhân bị áp xe sau tiêm tan mỡ hai tháng. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân bị áp xe sau tiêm tan mỡ hai tháng. Ảnh: BVCC

BS.CK2 Phạm Thị Thanh Giang, Khoa Thẩm mỹ da (BV Da Liễu TP.HCM), cho biết bệnh nhân bị áp xe sau tiêm tan mỡ. Bệnh nhân được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm và được điều trị bằng các thuốc kháng sinh, kháng viêm liều cao.

Sau hơn một tuần điều trị, các vết loét khô, nốt viêm giảm sưng. Tuy nhiên theo BS Giang, điều trị tai biến tiêm tan mỡ là điều trị khó, bệnh nhân được theo dõi lâu dài và điều trị tích cực. Một số bệnh nhân sau điều trị ổn vẫn có thể tái phát và hậu quả là để lại di chứng sẹo xấu.

Cũng theo BS này, tiêm tan mỡ là kỹ thuật tiêm các chất có khả năng ly giải tế bào mỡ, tăng vận chuyển lipid qua màng tế bào nhằm mục đích làm giảm thể tích các tế bào mỡ vùng không mong muốn.

Các tác dụng phụ có thể gặp như đau, sưng phù kéo dài đến 48 giờ sau tiêm, hình thành khối máu tụ. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng như viêm mô tế bào, loét hoại tử. Các tai biến xảy ra thường do kỹ thuật tiêm sai, cần tiêm đúng lớp, với độ sâu kim ổn định. Tuy nhiên dù tiêm đúng kỹ thuật, tỉ lệ tai biến vẫn có thể xảy ra.

Một số trường hợp sau tiêm bệnh nhân xuất hiện các nốt viêm đỏ, khi thực hiện sinh thiết da, các nhà nghiên cứu tìm được rất nhiều mô sợi hình thành, kèm theo hiện thương viêm mô mỡ kéo dài. Các biến chứng này khi xảy ra rất thường để lại sẹo xấu cho bệnh nhân.

BS Giang khuyến cáo, phương pháp giảm mỡ hiệu quả và an toàn nhất vẫn là thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục. Cạnh đó, có một số phương pháp an toàn để giảm mỡ như giảm mỡ nhiệt độ cao (công nghệ HIFU) và giảm mỡ nhiệt độ thấp (công nghệ đông hủy mỡ).

Ngoài ra còn có các phương pháp giảm mỡ cơ học như: xung siêu âm không nhiệt, liệu pháp laser cường độ thấp, liệu pháp sốc xung kích ngoại bào. Để giảm mỡ an toàn và hiệu quả, bệnh nhân nên đến các BV chuyên khoa để được BS tư vấn. Việc tiêm tan mỡ tại cơ sở thẩm mỹ không chất lượng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là để lại sẹo xấu vĩnh viễn nếu tai biến xảy ra.

3 nguyên nhân gây xuất hiện các nốt viêm sau tiêm tan mỡ

Thứ nhất, do thuốc tiêm tan mỡ không rõ nguồn gốc. Hiện nay không có loại thuốc tiêm tan mỡ nào được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Vì vậy thuốc mà cơ sở thẩm mỹ tiêm cho bệnh nhân là hàng trôi nổi, không an toàn. Ngoài ra, trong thuốc này có thể có các thành phần gây hoại tử da, cơ,… kéo theo các biến chứng nghiêm trọng.

Thứ hai, do kỹ thuật tiêm sai. Tại một số nước cho phép sử dụng thuốc tiêm tan mỡ như Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh kỹ thuật tiêm vô cùng quan trọng. Trong tất cả các vị trí, độ sâu của kim phải giữ ổn định vì sự thay đổi hoàn toàn có thể gây ra hoại tử các mô xung quanh như thần kinh, mạch máu, da.

Thứ ba, do không đảm bảo vô trùng trong kỹ thuật tiêm. Tại các cơ sở thẩm mỹ, nếu nhân viên không được đào tạo y tế thì kỹ thuật thực hiện thường không đảm bảo vô khuẩn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm